Hơn 100 trẻ chết: Bài học từ lây nhiễm chéo sởi ở bệnh viện
VOV.VN -111 bệnh nhi mắc sởi tử vong tại bệnh viện này sẽ là bài học về việc không phải khám chữa bệnh vượt tuyến là tốt
Chỉ tính từ ngày 17- 22/4, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã có gần 90 bệnh nhi mắc sởi do lây nhiễm chéo virus trong bệnh viện. Cũng tại bệnh viện này, từ đầu năm đến nay đã có 111 bệnh nhi mắc sởi tử vong, chiếm 93,2% của cả nước. Rõ ràng, bên cạnh bài học về nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, bài học về phân tuyến điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế cần được rút ra từ Bệnh viện Nhi Trung ương.
Quá tải bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương khiến lãnh đạo bệnh viện phải cầu cứu Bộ Y tế |
Đầu tháng 4, thấy những bệnh nhân sởi tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều người cho rằng, ở bệnh viện tuyến cuối mà vẫn nhiều bệnh nhi tử vong thì dịch sởi năm nay phải có điều gì đó bất thường. Nhưng khi Bộ Y tế công bố số liệu thống kê, hơn 90% số ca mắc sởi tử vong tập trung ở Bệnh viện Nhi Trung ương và chỉ tính từ ngày 17 - 22/4 đã có gần 90 bệnh nhi mắc sởi do lây chéo tại bệnh viện này thì rõ ràng điều bất thường nằm ở chỗ phân tuyến điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện.
Việc lây chéo bệnh sởi tại bệnh viện tuyến cuối càng khiến bệnh nặng hơn và nguy cơ tử vong của bệnh nhi cao hơn. Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thừa nhận đây là nguy cơ được báo trước: “Các bệnh hô hấp nói chung và sởi nói riêng điều quan trọng nhất là phải cách ly hoặc chí ít là không được nằm ghép thì việc chăm sóc tốt hơn, hiệu quả điều trị tốt hơn, còn phải nằm ghép thế này sẽ làm bệnh nặng lên”.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế mới đây, nhiều bệnh viện của thành phố Hà Nội cho biết, chỉ chuyển những bệnh nhi nặng lên tuyến Trung ương và số lượng không nhiều, như Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, từ đầu năm đến nay chỉ chuyển 4 trường hợp mắc sởi biến chứng nặng. Do vậy, tình trạng quá tải tại Bệnh viện Nhi Trung ương chủ yếu do người dân tự khám chữa bệnh vượt tuyến.
Tuy nhiên, cũng quá tải bệnh nhi mắc sởi nhưng tại khoa Nhi của các Bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới Trung ương và nhiều bệnh viện tuyến cuối ở thành phố Hồ Chí Minh lại chưa thấy xảy ra tình trạng lây chéo bệnh sởi. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ lâu, bệnh viện này đã xây dựng tiêu chuẩn cho nhập viện để tránh tình trạng quá tải không cần thiết. Còn bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, điều quan trọng là phải phân loại bệnh nhân, cách ly những trường hợp nghi mắc sởi ngay từ phòng khám.
“Chúng tôi yêu cầu không chỉ y, bác sĩ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng mà cả người nhà bệnh nhi cũng phải thực hiện việc này. Thứ 2 là phòng bệnh phải thông thoáng, đặc biệt những bệnh nhân nặng, khả năng lây nhiễm cao, phải thở máy nên khi hút đờm cho bệnh nhân phải thực hiện với bộ dụng cụ hút đờm kín, đắt tiền hơn. Nếu có cháu nào vào cấp cứu do bệnh khác mà phải nằm cạnh cháu khác đang cấp cứu vì biến chứng sởi thì phải cấp cứu nhanh để chuyển sang buồng khác và nếu bệnh nhi đó có nguy cơ lây nhiễm sởi, chúng tôi tiêm thuốc phòng cho các cháu luôn”, ông Dũng cho biết.
Xác định ổ dịch ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đã chỉ đạo bệnh viện này không tiếp nhận những bệnh nhân nhẹ để giảm tải và thành lập khu cách ly điều trị bệnh nhân sởi. Từ đó, việc lây chéo và số ca mắc sởi tử vong giảm rõ rệt. Nếu như ngày 18/4 có 39 trường hợp lây chéo bệnh sởi thì đến ngày 22/4 chỉ còn 6 trường hợp và 2 ngày qua không có trường hợp nào tử vong.
“Bộ Y tế đã có thông tư phân tuyến kỹ thuật theo hạng bệnh viện và chuyên khoa. Những tuyến trên không được nhận bệnh nhân nhẹ mà chỉ giải quyết những trường hợp nặng. Nhưng có cái khó là người bệnh đổ dồn lên Bệnh viện Nhi Trung ương, khi bệnh nhân tập trung cao độ, dồn thành nút cổ chai thì chắc chắn sẽ xảy ra tử vong do bội nhiễm lây chéo và lực lượng chăm sóc của bệnh viện cũng không đảm đương được công việc”, bà Tiến nói.
Sởi là bệnh lành tính, không có thuốc điều trị đặc hiệu và đa phần tự khỏi, trừ trường hợp sức đề kháng yếu hoặc cơ thể đang có bệnh nặng khác. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng khẳng định, chưa có sự biến chủng hoặc tăng độc lực của virus sởi ở Việt Nam và cũng chưa ai đưa ra bằng chứng về việc Bệnh viện Nhi Trung ương có cố tình tiếp nhận nhiều bệnh nhi để tăng nguồn thu hay không. Chỉ biết rằng, 111 bệnh nhi mắc sởi tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ là bài học đau xót về việc phân tuyến điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Còn với người dân, bài học là không phải lúc nào khám chữa bệnh vượt tuyến cũng là tốt./.