Tài xế xe tải gây rối khiến giao thông Quốc lộ 1 ngưng trệ
Nhiều tài xế xe tải đậu xe giữa đường “sửa xe”, đốt lửa, rồi la hét gây ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1.
Hàng ngàn xe “nằm chết” trên QL1 đoạn qua Bình Thuận sáng 23.4 Ảnh: Quế Hà |
Cho xe chắn đường, hăm dọa phóng viên
TS Phạm Sanh, Đại học GTVT TP.HCM
Lúc rạng sáng qua, trong khi có hàng trăm tài xế xe quá tải bao vây trạm cân và có dấu hiệu gây rối nhưng chỉ có hai CSGT, một CSCĐ và Trạm trưởng trạm cân Nguyễn Thanh Long đối phó với tình hình căng thẳng này. Khi ông Nguyễn Thanh Long và hai CSGT đi dẹp đường, chỉ còn một chiến sĩ CSCĐ ở lại trước hàng trăm tài xế manh động. Khi chúng tôi tác nghiệp, một số tài xế đã tìm cách ngăn cản và hăm dọa.
Trong quán cơm Cây Phượng (xã Hàm Kiệm, H.Hàm Thuận Nam) hai ngày qua có trên 30 xe “siêu khủng” trú ngụ. Đáng chú ý, trong số đó có những xe của doanh nghiệp Anh Phương (Q.9, TP.HCM, chủ chiếc xe siêu trọng 51C-178.99 lọt qua hàng loạt trạm kiểm soát từ Hà Nội và Bình Thuận mà Thanh Niên đã phản ánh).
Cần thu hồi GPLX tài xế gây rối
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết đã nhận được báo cáo về tình trạng các xe siêu trọng, xe quá tải gây rối tại khu vực trạm cân tỉnh Bình Thuận. Theo ông Thọ, với các xe siêu trường, siêu trọng phải xin giấy phép lưu hành của Tổng cục Đường bộ hoặc các sở GTVT, nếu xe không có giấy phép nhưng vẫn lưu hành trên đường thì không cần qua trạm cân, CSGT vẫn hoàn toàn có thể xử phạt hành chính.
Về vụ xe siêu trọng hơn 100 tấn lọt qua rất nhiều chốt chặn, trạm cân của CSGT, thanh tra giao thông từ Hà Nội vào đến Bình Thuận mới bị phát hiện, ông Thọ cho rằng: “Để tình trạng diễn biến như vậy là trách nhiệm của cơ quan tuần tra kiểm soát tại chỗ các địa phương làm chưa thực sự nghiêm. Lâu nay có rất nhiều vấn đề, có nơi làm tốt, nhưng nhiều nơi làm chưa tốt. Phải siết lại tất cả các khâu, từ tuần tra, kiểm soát cho đến xử lý”.
Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng lực lượng Thanh tra Bộ không đủ nhân lực để đi kiểm tra từng tỉnh, nên quan trọng hơn vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu các lực lượng chức năng địa phương. “Cán bộ vi phạm phải bị xử lý, người đứng đầu nếu không làm nghiêm cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Thọ khẳng định.
Trong khi đó, TS Phạm Sanh, Đại học GTVT TP.HCM, cho rằng: “Rõ ràng xe lọt qua được từ Hà Nội vào đến Bình Thuận cho thấy CSGT và thanh tra giao thông đã “làm lơ” nên xe sai phạm mới lọt qua được. Bộ GTVT và Bộ Công an phải kiểm tra từng tỉnh một, tại sao yêu cầu các trạm cân hoạt động 24/24 giờ mà xe siêu trọng, xe quá tải vẫn lọt qua, phải yêu cầu lực lượng chức năng từng tỉnh phải trả lời rõ tại sao cho qua?”.
Ông Sanh đề xuất, với các xe quá tải xếp hàng dài gây tắc nghẽn giao thông, địa phương hoàn toàn có thể kiểm tra và xử phạt hành chính, không cho phép tài xế đỗ xe gây mất trật tự, ảnh hưởng đến an toàn lưu thông xe. “Vì địa phương không làm triệt để, không nghiêm nên mới để kéo dài tình trạng này. Bộ GTVT nên yêu cầu các sở GTVT phối hợp với CSGT, với các xe gây rối có thể thu giấy phép lái xe, thông báo đến chủ xe trường hợp vi phạm và cấm hoạt động trong một thời gian để làm gương cho các trường hợp khác”, ông Sanh kiến nghị./.