Không thiếu thuốc, người dân vẫn khó mua thuốc chữa đau mắt
VOV.VN - Bộ Y tế khẳng định, Hà Nội không thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ thì nhiều cửa hàng tân dược lại tăng giá thuốc
Trong khi dịch đau mắt đỏ bùng phát lây lan diện rộng thì nhiều quầy thuốc “cháy” thuốc điều trị, nâng giá. Theo ghi nhận của phóng viên VOV tại thành phố Hà Nội, sức mua các loại thuốc kháng sinh nhỏ mắt tăng cao đến mức trên thị trường có những lúc xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc điều trị.
Dạo qua các cửa hàng bán thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Giải Phóng, Quán Sứ… đa phần các mặt hàng thuốc kháng sinh như Tobrex của Bỉ, Nhật thì đều tăng từ 20-30%, các loại thuốc nhỏ mắt muối thông thường đều khan hiếm hàng, thậm chí nhiều nơi còn không có hàng để bán.
Dịch đau mắt đỏ bùng phát tại Hà Nội (Ảnh: Hoàng Thành). |
Tại các quầy thuốc, đa số người dân đều nhận đươc thông báo “cháy” thuốc điều trị đau mắt, phổ biến Eyetbra-D, DD Tobrex, Tobrin... Những quầy còn thuốc, giá tăng lên 50-60%. Cầm đơn thuốc trên tay sau lần tái khám lần thứ 2, bà Nguyễn Thị Nga, Cầu Giấy lo lắng vì giá thuốc nhỏ mắt tăng lên từng ngày. Khó khăn lắm, bà Nguyễn Thị Nga mới mua được lọ DD Tobrex.
“Nói chung là họ cứ cho đơn này nhưng mà ra ngoài mua toàn thuốc đắt. Hiện nay đại dịch đau mắt đỏ bây giờ thuốc men đi khám chật vật lắm, tăng vùn vụt thế này tôi chẳng biết thế nào về bảo con tư vấn. Cứ ra mua ào ào thì nhiều tiền lắm không đủ tiền”. – bà Nga nói.
Cũng giống như nhiều người khác, chị Nguyễn Thu Hương ở Hoàng Mai, không khỏi ngỡ ngàng vì thuốc tăng giá gần gấp đôi. Từ 45.000 đồng/lọ lên 80.000 đồng. Chị đành bấm bụng mua 3 lọ để dùng dần vì lo lắng giá lại tăng, thậm chí còn khan hiếm hàng.
Chị Hương cho hay: “Tôi đau mắt khoảng 10 ngày nay, tôi cũng mua nhiều lọ thuốc như các loại kháng sinh, dưỡng mắt, các lọ tím và kèm theo thuốc uống với giá tăng từ 70.000-90.000 đồng, bác sỹ ghi đơn thế nào thì mình mua thuốc đó thôi. Thuốc giá giờ tăng thì mình cứ mua cho xong, cho khỏi thôi. Tôi đi mua thuốc nhỏ mắt thì cửa hàng kêu hết hàng. Do người bán thôi, biết dân cần gì dùng cái đấy nên giá tăng”.
Trong khi Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, Hà Nội không thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ, người dân không nên lo lắng thì nhiều cửa hàng tân dược lại tăng giá thuốc nhỏ mắt lên 30-40% khoảng 20 ngày trở lại đây. Hiện, một số công ty nhập khẩu dược đang cố tình “găm hàng” để đẩy giá tạo khan hiếm giả tạo.
Từ đầu tháng 9 đến nay tại nhiều địa phương trong cả nước số người mắc bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) do virus tăng so với các tháng 7, 8 nhiều nhất tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định. Ngày 3/10 Bộ Y tế đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng chống bệnh dịch đau mắt đỏ./.