Lãnh đạo các địa phương trực tiếp ứng trực chống bão
VOV.VN -Lãnh đạo các tỉnh, huyện đã trực tiếp ứng trực tại các nơi xung yếu để hỗ trợ người dân ứng phó với bão.
Tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, ông Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, việc phòng chống bão phải chủ động theo phương châm 4 tại chỗ, tránh tâm lý chủ quan nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Huyện cần lưu ý đến an toàn các công trình hồ đập, đảm bảo hệ thống thông tin để nhân dân biết và chủ động trong trường hợp phải xả lũ ở các hồ chứa.
Tàu thuyền ở TP HCM vào nơi tránh trú bão an toàn |
Theo thống kê, toàn huyện Tuy Phong có gần 1.600 tàu cá, phần lớn đã neo đậu tại các bến ở địa phương, hơn 100 chiếc đã di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cơ quan chức năng đã kết nối liên lạc với tất cả tàu cá. Lệnh cấm biển đã được thực hiện quyết liệt.
Đến nay đã có hơn 7.800 thuyền đã vào khu vực neo đậu. 101 thuyền đang hoạt động trên vùng biển từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Kiên Giang đã được bộ đội biên phòng hướng dẫn tránh, trú bão.
Tại tỉnh Ninh Thuận, hơn 2.200 tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn, bộ đội biên phòng tỉnh cũng liên lạc với 550 phương tiện đánh bắt hải sản ở vùng biển của các tỉnh khác, hướng dẫn các phương tiện vào tránh trú bão ở các tỉnh như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bình Thuận và đi xuống vĩ tuyến 17.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đề nghị các địa phương rà soát và chuẩn bị các phương án di dời dân tại các vùng xung yếu khi mưa bão lớn xảy ra.
Trước tình hình áp thấp nhiệt đới đang di chuyển vào đất liền và có khả năng mạnh lên thành bão số 13, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó.
Đồng Nai và Bình Dương nằm trên lưu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính nên áp thấp nhiệt đới đổ bộ đúng vào thời điểm triều cường dâng cao đạt đỉnh nên có khả năng gây lũ lớn.
Trước thực tế đó, hai địa phương này đã có phương án di dời dân ở vùng ngập sâu. Ông Trần Đình Minh - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai cho biết: “Ban phòng chống lụt bão tỉnh và các huyện, thị đã chuẩn bị di dời dân ở những ngập sâu, ven sông suối”.
Còn tỉnh Bình Dương hiện có 5 hồ chứa nước lớn nhỏ, trong đó, có hồ Dầu Tiếng với dung tích 7 triệu m3 nước, đang chứa 92% dung tích.
Bình Dương cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều hồ thủy điện khác như: Thác Mơ, Trị An, Cần Đơn… nên Ban Phòng chống lụt bão tỉnh sẽ bám sát lịch xả nước của các hồ để giảm thiểu thiên tai.
Còn tại Long An, các huyện giáp với cửa biển như: Cần Đước, Cần Giuộc đã có phương án đảm bảo an toàn cho người dân và tàu thuyền, thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ.
Chiều nay, huyện Cần Đước đã di dời hơn 100 hộ có nhà cửa không kiên cố. Huyện cũng lên kế hoạch di dời 10.000 người ở các xã ven biển về nơi an toàn khi cần thiết.
Huyện Cần Giờ, TP HCM được xác định là địa bàn xung yếu nên đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai biện pháp phòng chống nhằm giảm thiệt hại của áp thấp nhiệt đới, đảm bảo an toàn cho người dân.
Đến 15h chiều này, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP HCM đã tổ chức 27 chuyến tàu di dời gần 2.000 dân, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ đang sinh sống trên xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ vào đất liền tránh trú an toàn.
Người dân được di dời, tập kết về 3 điểm là: Nhà thiếu nhi, Trung tâm văn hóa và liên đoàn lao động huyện Cần Giờ. Có khoảng 800 chiếc mền đã được cấp phát cho người dân.
Trước đó, từ 18h ngày 5/11, TP HCM đã cấm tàu thuyền đánh bắt và các phương tiện vận tải, đò khách xuất bến.
Huyện Cần Giờ có hơn 1300 phương tiện đánh bắt thủy hải sản. Phần lớn tàu thuyền đã nhận được lệnh vào nơi tránh trú an toàn. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã cho di dời dân ở các khu vực xung yếu đến nơi tạm cư an toàn.
Chủ động phòng chống thiên tai, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã yêu cầu các trường phối hợp với phụ huynh học sinh tổ chức đón con, nghiêm cấm học sinh di chuyển bằng đường sông, nghiêm cấm tổ chức tham quan, sinh hoạt ngoại khóa tại Cần Giờ trong thời gian áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng. Chiều nay, nhiều trường đã cho học sinh nghỉ để tránh mưa to, gió lớn./.