Lễ Vu Lan: Đạo Phật không có tục đốt vàng mã
(VOV) -Con cháu chăm sóc ông bà, cha mẹ khi họ đang còn sống là cách báo hiếu đúng nhất.
Trong thế giới tâm linh của người Việt việc đốt vàng mã, xiêm áo cho người đã khuất trong ngày lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân đã trở thành một tập tục không thể xóa bỏ.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của đời sống phong tục, tín ngưỡng này càng có điều kiện biến tướng, gây tốn kém lãng phí.
Trong dịp lễ này không khó bắt gặp hình ảnh người dân đốt vàng mã trên vỉa hè |
Lễ Vu Lan bắt đầu từ mùng 1 đến ngày rằm tháng 7. Bên cạnh mâm cơm cúng gia tiên, các gia đình cũng sắm thêm các vật dụng hàng mã rất phong phú, đa dạng như tiền ta, tiền đô la, xiêm áo, vải vóc, nhà lầu, xe hơi…thậm chí cả các đồ công nghệ cao như Ipad, Iphone…để hóa cho người đã khuất.
Trên các con đường, từng ngõ nhỏ trong dịp lễ này không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đốt vàng mã trên vỉa hè, thậm chí không đủ chỗ nhiều người còn đưa xuống cả lòng đường. Thời tiết hanh khô kết hợp với việc đốt vàng mã khói bụi mù mịt, bay tứ tung khiến không khí ô nhiễm, không ít người đi qua phải bịt mũi, ho sặc sụa.
Mâm lễ cúng chúng sinh trên đường Tây Sơn |
Thậm chí nhiều người vô tư đốt vàng mã ngay trên vỉa hè có nhiều giấy báo phế thải, bên cạnh là xe máy, xe đạp dựng ngổn ngang.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc đốt vàng mã trong các ngày rằm, ngày mùng 1 và đặc biệt trong lễ Vu Lan đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức, nếp nghĩ của người Việt Nam thế hiện lòng báo hiếu, thờ cúng tổ tiên, thành kính với người đã khuất.
Tuy nhiên, trong giáo lý nhà Phật không có tục đốt vàng mã cúng tế người đã mất, vì hai thế giới Âm – dương là hai thế giới cách biệt không thể cảm ứng được…
Hòa thượng giải thích: “Dương gian vẫn có câu “Trần sao, âm vậy”. Nếu nghĩ như vậy, khi còn sống họ làm nghề trồng lúa, cũng làm nhà, cũng có xe hơi, điện thoại xịn…thì khi mất đi họ sẽ được làm việc, được sinh hoạt đúng như lúc họ còn sống, họ tự làm ra hàng hóa rồi trao đổi, mua bán với nhau như trên trần gian. Nếu như vậy thì cớ gì người phàm cứ phải đốt vàng mã, để rách nát, bay tứ tung như vậy? Tiền nước nào nước đó tiêu, vàng mã của chúng ta đốt dưới đó họ có tiêu được không?”.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Theo Hòa thượng, đạo Phật nhấn mạnh và khuyến khích việc con cháu báo hiếu, chăm sóc chu đáo tới ông bà, cha mẹ khi họ đang còn sống, đó mới là cách báo hiếu đúng nhất.
Cha mẹ đã mang nặng, đẻ đau, cưu mang và nuôi lớn ta khôn lớn đến khi dựng vợ, gả chồng, công lao đó không bao giờ kế siết. Đến khi cha mẹ già yếu, phận làm con phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Có như vậy, khi người thân nhắm mắt tâm hồn họ mới được thanh thản, và bản thân con cháu mới làm tròn được chữ Hiếu.
Trong khi đó, cũng có không ít người khi cha mẹ còn sống thì thờ ơ, hắt hủi, khi cha mẹ mất đi mời bạn bè, anh em đến làm cỗ ăn uống thì đó chỉ là việc đối đãi của thế gian, là qua mắt dương gian.
Quá trình này không chỉ thể hiện trong những ngày rằm, ngày lễ Vu Lan mà là cả cuộc đời, đồng thời giáo dục tinh thần cho thế hệ sau noi theo.
Còn lễ Xá tội vong nhân (cúng chúng sinh - cúng những cô hồn lưu lạc) theo tinh thần nhà Phật mọi người nên có những việc làm thiết thực và ý nghĩa. Giúp đỡ những người nghèo khổ, không nơi nương tựa, phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh. Ăn chay niệm Phật cầu siêu cho những cô hồn lưu lạc, xá tội vong nhân.
“Tôi nghĩ, chúng ta nên lên chùa, thắp nén nhang thành tâm cầu nguyện cho gia đình, người thân có sức khỏe. Có sức khỏe là có tất cả. Không nên mua sắm vàng mã đốt cho người đã khuất, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường mà nên dùng tiền đó để chia sẻ với những người nghèo khổ, công đức để sửa sang chùa chiền”, hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết./.