Một đêm ở Bệnh viện Việt Đức
(VOV) -Chưa hết ca trực của một đêm, nhưng số bệnh nhân nhập viện đã lên gần 90 người, trong đó một nửa là do tai nạn giao thông.
Có lẽ không nơi nào mà ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như tại các gường bệnh đang cấp cứu nạn nhân tại nạn giao thông. Có mặt tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi đau như xé lòng, sự gấp gáp của thời gian, niềm tin và cả những tia hy vọng trong chốc lát rồi bỗng dưng vụt tắt.
0h - khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, thì tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức, các y, bác sỹ đang chạy đua với thời gian để giành lại sự sống cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Không gian yên tĩnh của đêm khuya bị “xé toang” bởi tiếng còi hú, tiếng kêu khóc của người nhà bệnh nhân, những bước chân vội vã của y, bác sỹ chuẩn bị cho ca phẫu thuật.
Sau quãng thời gian ngắn ngủi hội chẩn, ê-kíp bác sỹ, y tá tiến hành phẫu thuật cho anh Trần Hoàng Tâm, ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bị tại nạn giao thông, chấn thương toàn thân. Ca phẫu thuật được thực hiện trong 3 giờ đồng hồ. Theo người nhà nạn nhân, anh Tâm bị tại nạn trên đường đi làm về do đâm vào vách đá bên đường.
Hình ảnh "quen thuộc" tại Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: KT) |
Phẫu thuật xong cho nạn nhân Trần Hoàng Tâm, bác sỹ Dương Trọng Hiền, Phó trưởng Khoa phẫu thuật cấp cứu đi thăm buồng bệnh tại Khoa hồi sức tích cực, dành cho những nạn nhân đã qua phẫu thuật sau tai nạn. Nhưng chưa kịp bước chân vào cửa phòng, bác sỹ đã phải quay lại để cấp cứu cho một bệnh nhân khác bị tai nạn giao thông vừa được đưa đến Bệnh viện.
Trước mắt chúng tôi là cảnh tượng hãi hùng: hầu hết nạn nhân nằm trong buồng bệnh đều bị cạo trọc đầu, những khuôn mặt bị biến dạng, méo mó, người thiếu chân, người thiếu tay, quanh cơ thể là dụng cụ y tế, dây truyền dịch chằng chịt.
Trong 4 bệnh nhân điều trị tại phòng thì có đến 3 bệnh nhân bị tai nạn giao thông, trong đó nạn nhân tên Dũng được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh. Sau 5 tháng với 3 lần mổ, tốn hơn 2 tỷ đồng, nhưng đến nay nạn nhân vẫn hôn mê, bất tỉnh. Mẹ nạn nhân Dũng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhận tin con bị tai nạn trong đêm trên đường từ cơ quan về nhà.
Trong lúc bác sỹ Hiền cùng ê-kíp trực đang tích cực giành lại sự sống cho các bệnh nhân trong phòng hồi sức thì tiếng còi hú lại gấp gáp vang lên. Chiếc xe cứu thương phanh gấp trước cửa Khoa cấp cứu. Lập tức, các y tá lại kéo băng ca đưa nạn nhân vào phòng.
Nạn nhân bất tỉnh, những dải băng trắng nhuốm máu quấn quanh đầu và ổ bụng. Sau khi sơ cấp cứu, bệnh nhân được chuyển vào phòng 105 - hồi sức cấp cứu, các y bác sỹ tiếp tục lau, rửa vết thương, tiêm thuốc, truyền dịch. Nạn nhân là một thanh niên còn rất trẻ (18 tuổi), quê ở Kỳ Sơn, Nghệ An. Bác sỹ xác định, đây là trường hợp chấn thương nghiêm trọng ở phần bụng và đầu.
Gần hết ca trực, bác sỹ Dương Trọng Hiền giở quyển số ghi chép bệnh nhân cho chúng tôi xem. Còn hơn 2 tiếng đồng hồ nữa mới hết ca làm việc của đêm, nhưng số bệnh nhân đã lên gần 90 người, trong đó phần nửa là do tai nạn giao thông, 1 ca đã tử vong. Và như lời các bác sỹ "những trường hợp xin về cũng sẽ tử vong, có khi chưa kịp về nhà”. Với những nạn nhân nhập viện thì không ai dám nói trước điều gì, nhưng một điều có thể tiên liệu được là phần lớn trong số họ khi trở về gia đình sẽ mang dị tật suốt đời.
Bác sỹ Dương Trọng Hiền nói: “Nạn nhân tai nạn giao thông phần lớn là đa chấn thương, nặng nhất là chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng và tổn thương các chi. Đặc biệt là những tai nạn ở đường cao tốc thì thường khi vào viện, nạn nhân bị đa chấn thương rất nặng, nhiều phủ tạng bị thương tổn. Phần lớn thương tổn này rất nặng nề nên để lại di chứng rất nhiều”.
Rời Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức khi màn đêm đang tan dần, một ngày mới đã bắt đầu. Chúng tôi lại thấy một nạn nhân tai nạn giao thông nữa không kịp cấp cứu. Chiếc xe cứu thương mang biển số Bắc Ninh quay đầu, vội vã chở nạn nhân xấu số về quê an táng./.