Nghĩa tình làng chài Cồn Sẻ
(VOV) - Nỗi đau mất mát trong vụ đắm tàu chưa thể nguôi ngoai, nhưng bằng tình làng nghĩa xóm, người dân Cồn Sẻ dần ổn định về tinh thần.
Lúc này, khi mọi nhà đang vui vầy đón Tết thì ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi có nhiều nạn nhân trong vụ đắm tàu cách đây hơn 1 tháng, nhiều gia đình chưa hết nguôi ngoai trước nỗi đau mất mát. Chiều cuối năm, những người vợ mất chồng lặng lẽ bên mâm cơm, mấy đứa con thơ hồn nhiên ra bậu cửa đứng đợi ba về.
Đêm đã khuya. Làng quê Cồn Sẻ, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình văng vẳng lời hát ru của người mẹ trẻ.
Hơn tháng nay, chiều nào 2 đứa con của chị Nguyễn Thị Châu, vợ nạn nhân Phạm Xuân Hiền, ở thôn Cồn Sẻ cũng ra trước cửa đứng đợi ba về. Mọi năm, vào những ngày cận Tết, anh Hiền thường chở con đi mua sắm quần áo mới, vậy mà mấy hôm nay chờ hoài chẳng thấy ba đâu. Thằng con lớn 4 tuổi đòi mẹ dắt đi quanh xóm tìm ba, chị Châu ruột đau như cắt kể: “Ai về hắn cũng cứ nói ba về, mẹ ơi ba về. Mẹ nói lại, bữa ni ba không về nữa mô, không có ba nữa mô. Tết mọi năm có ba thì khi mô cũng chở đi”.
Thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình như một ốc đảo nhỏ nhô lên giữa dòng sông Gianh, người dân nơi đây thường gọi là Cồn Trữa. Thôn có 645 hộ dân, với hơn 3.400 nhân khẩu làm nghề biển. Xưa, trai làng trong thôn thường truyền tụng câu ca “Sông Gianh khúc lở, khúc bồi; Khổ như anh mãi lần hồi cũng qua”. Ở cái “khúc bồi” thôn Cồn Sẻ này, cuộc sống của bà con tuy có khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng “lần hồi” trôi đi trong niềm vui, hạnh phúc.
Dân làng Cồn Sẻ giỏi bơi từ nhỏ, nhưng lớn lên vẫn không tránh khỏi hiểm họa sông nước, cứ vài ba năm lại có người biền biệt nằm lại dưới biển khơi. Đau thương nhất là vụ chìm tàu hôm 30/12/2012, hiện vẫn còn 12 người chưa biết trôi về đâu!
Đưa tay gạt nước mắt, bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ của 4 người con trai và 2 con rể xấu số ngậm ngùi nhớ lại: anh em trong nhà ai cũng chí thú làm ăn, chuyến đi biển vừa rồi mấy anh em đi chung với nhau để kiếm tiền trả lãi ngân hàng, còn dư chút ít sửa sang nhà cửa để đón Tết. Ai ngờ đó là chuyến đi cuối cùng.
Mất một lúc 6 người con, bà Hoa như đứt từng khúc ruột: “Mọi bữa Tết đông đúc lắm, bây giờ trống vắng nhìn đứa mô cũng không có nữa thì héo hon chứ không biết mần răng nữa”.
Một gia đình ở thôn Cồn Sẻ có người thân không trở về trong vụ đắm tàu cuối tháng 12 năm ngoái |
Thôn Cồn Sẻ sau hơn một tháng xảy ra vụ chìm tàu, vẻ ảm đạm đã bớt đi. Ở cái cồn nhỏ bé này, nhà nối nhà san sát nhau, gia đình nào có người đau cả làng đều hay. Có năm nước lũ ngập cả làng, vợ con ông Nguyễn Diện ngồi trên nóc nhà, cận kề cái chết, dân làng bất chấp hiểm nguy chèo ghe vượt dòng nước lũ ra ứng cứu. Tình làng nghĩa xóm đã giúp nhiều mảnh đời bất hạnh vượt qua nỗi đau.
Sau vụ chìm tàu, không ai bảo ai, bà con trong thôn tìm đến cưu mang, giúp đỡ gia đình người bị nạn. Anh Mai Trung Mỹ, anh trai của các nạn nhân Mai Khương Duy, Mai Thái Bạch và em rể Hoàng Dũng cho hay, bây giờ 3 đứa em đều mất tích, gia đình chỉ còn mình anh là lao động chính.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: Giáp Tết, đồng bào cả nước tìm về làng chài Cồn Sẻ mang theo những chuyến hàng cứu trợ. Những món quà xuân của các đơn vị, nhà hảo tâm gửi tặng thân nhân gia đình các nạn nhân như tiếp thêm nghị lực giúp họ vượt qua nỗi đau mất mát.
"Gia đình các nạn nhân vụ chìm đò vừa rồi có sự quan tâm rất kịp thời của lãnh đạo từ Trung ương, tỉnh, huyện, của các tổ chức, cá nhân, đến nay bà con cũng đảm bảo ổn định đời sống. Tết năm nay, trong cái niềm mất mát đau thương nhưng bà con cũng đã ổn định về tinh thần", ông Thịnh cho biết.
Một năm mới lại đến. Người dân vùng sông nước tỉnh Quảng Bình cầu cho mưa thuận gió hòa để những con tàu tiếp tục ra khơi và trở về bình an. Xa xa, văng vẳng lời ru yêu thương của những người mẹ trẻ chan chứa niềm mong ước về những đứa trẻ mất cha sẽ được đến trường, hạnh phúc trong vòng tay nhân ái./.