Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm tại Kiên Giang
VOV.VN -Kiên Giang đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, tình trạng vịt chạy đồng diễn ra ồ ạt nên nguy cơ lây lan dịch cúm là rất lớn.
Kiên Giang hiện có tổng đàn gia cầm hơn 5 triệu con, trong đó hơn 2/3 là vịt. Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, Chi cục Thú y Kiên Giang đang tiến hành Tháng tiêu độc khử trùng.
Tuy nhiên, sau 2 ngày thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc sát trùng trên quy mô toàn tỉnh, tại địa bàn xã Thạnh Yên, tổ Thú y của xã vẫn chưa nhận được thuốc và hóa chất cần thiết. Trong khi đó, đang là thời điểm thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, ngoài các đàn vịt chạy đồng ở địa phương còn có các đàn vịt từ các tỉnh với số lượng khoảng 10.000 con, tập trung nhiều nhất là các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, và các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh cúm trên đàn gia cầm là rất lớn nhất.
Ngành chức năng H.Phú Quốc (Kiên Giang) tiến hành tiêu hủy thịt vịt không rõ nguồn gốc (Ảnh: Giang Sơn/Thanh niên) |
Anh Trương Vũ Phương – Tổ trưởng tổ Thú y, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng cho biết: “Cái khó trong công tác phòng chống dịch là ý thức của người dân. Về cơ sở vật chất thì bình xịt đã cấp phát từ mấy năm trước, nhưng bây giờ đã hư rồi, còn thuốc và hóa chất hiện giờ chúng tôi chưa nhận được”.
Bên cạnh việc ứng phó với tình trạng vịt chạy đồng làm phát sinh dịch bệnh, mới đây tại Trại giống Nông – Lâm - Ngư huyện Hòn Đất thuộc Trung tâm Giống Nông - Lâm - Ngư nghiệp Kiên Giang tại ấp Sư Nam, thị trấn Hòn Đất huyện Hòn Đất vừa có đàn gà 50-60 ngày tuổi bị nhiễm cúm A/H5N1. Hơn 4.900 con gà đã bị tiêu hủy. Đây cũng là ổ dịch đầu tiên ở tỉnh Kiên Giang từ đầu năm đến nay.
Mặc dù là trại giống của tỉnh, được đầu tư hệ thống chuồng trại, quy trình tiêm phòng nghiêm ngặt nhưng nơi đây trong 2 năm liền đã có 3 lần xảy ra dịch cúm. Năm 2013, xảy ra 2 ổ dịch vào tháng 2 và tháng 7, khiến gần 5.300 gia cầm bị tiêu hủy. Đây được xem như là “điểm đen” dịch bệnh.
Theo anh Nguyễn Trường Đông, Phó trại giống Nông- Lâm- Ngư Hòn Đất, trước đây, Trung tâm giống chủ yếu nuôi gà bán thịt. Từ năm 2013, Trung tâm bắt đầu thực hiện việc nhân giống để đưa ra thị trường, nhưng lần nào cũng bị dich cúm. Hiện nay, Chi cục Thú y Kiên Giang phối hợp với Cục Thú y vùng 7 vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra dịch.
“Về mặt chuyên môn, các nhà khoa học đã nói vaccine cúm có mức bảo hộ tối đa từ 80-90%, còn 10 -15% nếu không đáp ứng được miễn dịch thì những con gia cầm đó cũng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Hiện tại cũng chưa có cơ quan nào chắc chắn rằng khi tiêm vaccine là an toàn tuyệt đối”, anh Nguyễn Trường Đông nói.
Hiện dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long như: Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ, Cà Mau, Trà Vinh... Nếu ý thức của người dân chưa được nâng cao, trách nhiệm của ngành chức năng địa phương chưa tập trung đôn đốc, chưa làm quyết liệt trong công tác phòng chống dịch cúm trên đàn gia cầm thì nguy cơ tiếp tục xảy ra dịch ở Kiên Giang là rất lớn. Đặc biệt, “điểm đen” cúm gia cầm ở trại giống Nông- Lâm- Ngư Hòn Đất vẫn chưa tìm được nguyên nhân, thì công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở Kiên Giang vẫn còn nhiều nan giải./.