Nguy hiểm từ đồ chơi nhập lậu

Hoá chất phthalate có trong nhiều loại đồ chơi của Trung Quốc có thể dẫn đến trục trặc nội tiết, gây ra những bất thường tại cơ quan sinh dục, đặc biệt ở bé trai

Tổ chức Hoà bình xanh (Greenpeace) cho biết, nhiều đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc có thể gây dị tật cơ quan sinh dục của trẻ em. Điều này khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Xét nghiệm 19/21 sản phẩm cho thấy, hóa chất phthalate chiếm hơn 10% trong các sản phẩm này, đặc biệt một sản phẩm chứa hơn 43% chất phthalate. Các nhà khoa học đã chỉ ra việc tiếp xúc với hóa chất này có thể dẫn đến trục trặc nội tiết, gây ra những vấn đề bất thường tại cơ quan sinh dục, thậm chí gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tác dụng này thể hiện rõ rệt nhất ở bé trai.

Đáng lo là, tại các phố của Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can... vẫn tràn ngập các loại đồ chơi Trung Quốc. Điều này khiến NTD không khỏi hoang mang, lo lắng bởi không có cách nào để phân biệt được đồ chơi có độc và không có độc.

Không nên cho trẻ ngậm đồ chơi

Trao đổi với báo giới về vấn đề này, ông Trương Hồng Sơn, Trưởng phòng Quản lý Tiêu chuẩn Chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội cho biết: “Hiện nay, chúng tôi vẫn đang quản lý đồ chơi trẻ em lưu hành trên thị trường Hà Nội theo tiêu chuẩn QCVN 3/2008. Tiêu chuẩn này chưa có chỉ tiêu về chất phthalate và cũng chưa có chế tài nào hướng dẫn xử phạt nếu phát hiện ra chất này”.

Theo TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Hiện chưa có cách xử lý hiệu quả các đồ chơi nếu có chứa chất độc hại. Cách vệ sinh đồ chơi phổ biến là khi mua về nên rửa đồ chơi bằng các chất tẩy rửa nhẹ hoặc xục vào máy ozon để khử trùng bề mặt và vệ sinh hằng ngày. Nhưng cách này chỉ là giải pháp tâm lý, chất độc hại khó có thể mất đi. Tốt nhất cha mẹ không cho trẻ ngậm đồ chơi hoặc mút tay. Đồng thời, tránh xa những đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồ chơi nhập lậu. Không mua những đồ chơi có nước (chủ yếu dạng nước công nghiệp), các hạt nhựa dẻo vì trẻ rất dễ làm vỡ hoặc nuốt khiến trẻ bị ngộ độc tức thì.

Để quản lý chặt chẽ thị trường đồ chơi trẻ em, cơ quan quản lý phải thường xuyên giám sát chất lượng, lấy mẫu kiểm nghiệm định kỳ, phát hiện và cảnh báo cho mọi người biết nguy hại từ đồ chơi độc hại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên