Nhận diện cúm AH7N9 và chủ động đối phó
(VOV) - Chủ động các biện pháp dự phòng, trước hết là tại các cửa khẩu là điều cần thiết nhất hiện nay.
Trước đây, virus cúm AH7N9 vốn chỉ gây bệnh cho gia cầm nhưng nay lại gây bệnh ở người, điều đó cho thấy sự bất thường của dịch bệnh này. Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm chủng cúm A dạng H7 đã xuất hiện từ năm 1996 với một số chủng là H7N2, H7N3, H7N7; nhưng chủ yếu gây bệnh ở động vật. Nếu có gây bệnh cho người thì cũng chỉ bị viêm kết mạc, viêm đường hô hấp nhẹ và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Nhưng với cúm AH7N9, lần đầu tiên xuất hiện đã gây những triệu chứng nặng thì không thể chủ quan.
Virus cúm AH7N9 vốn chỉ gây bệnh cho gia cầm nhưng nay lại gây bệnh ở người, điều đó cho thấy sự bất thường của dịch bệnh này (Ảnh minh họa) |
Ông Nguyễn Văn Kính cho biết: "Đối với cúm AH7N9 từ ngày 26/3, Trung Quốc ghi nhận những ca bệnh đầu tiên. Chúng tôi đã liên hệ với các bác sỹ trực tiếp điều trị bệnh nhân ở Trung Quốc thì thấy rằng bệnh cảnh của H7N9 rất giống với H5N1, nghiã là viêm phổi diễn biến rất nhanh trong 24 giờ đầu. Đầu tiên bị một bên phổi sau đó lan rất nhanh sang bên kia và chủ yếu là hội chứng phù phổi và đông đặc. Bên cạnh đó, bệnh nhân vào viện chủ yếu là trong tình trạng cấp cứu chứ không phải là khoa hô hấp thông thường. Tim, thận dường như ít bị tổn thương nhưng có biểu hiện của tiêu cơ và tăng men gan”.
Theo các chuyên gia y tế, trong bối cảnh dịch bệnh cúm AH7N9 có thể xảy ra tại nước ta, những người dân có những biểu hiện ho nhiều, sốt cao kèm theo sổ mũi, nhức đầu và khó thở, hãy đến các cơ quan y tế để được khám, phát hiện bệnh kịp thời.
Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, hiện còn quá sớm để nói về độc tính của virut này nhưng diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Trung Quốc là cảnh báo đáng lo ngại. Vì vậy, cùng với sự chuẩn bị của cơ quan chức năng, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Theo ông, bệnh cúm lây theo đường hô hấp, phương pháp phòng chống quan trọng đầu tiên phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm, thường xuyên mở cửa thông thoáng phòng, lau chùi đồ vật dụng cụ bằng nước sát khuẩn, tăng cường nâng cao thể trạng. Khi tiếp xúc với nơi đông người và những nơi xảy ra dịch thì nên đeo khẩu trang.
Người dân cũng cần thận trọng khi tiếp xúc với gia cầm vì virus cúm A/H7N9 thuộc nhóm nguy cơ lây từ động vật sang người và chủ yếu tồn tại trên gia cầm, chim hoang dã.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện nhiệt đới Trung ương - đơn vị đầu mối để dự thảo phác đồ điều trị cúm A-H7N9 và chậm nhất là đầu tuần tới, Hội đồng chuyên môn của Bộ sẽ xét duyệt. Phác đồ này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm điều trị SARS, cúm AH5N1 và H1N1 ở nước ta và sau đó căn cứ vào thực tế biểu hiện lâm sàng và kinh nghiệm của các bệnh viện để sửa đổi bổ sung. Ông Nguyễn Trọng Khoa nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, những bệnh viện trước đây đã nằm trong hệ thống mạng lưới điều trị cúm sẽ là đơn vị tiếp nhận bệnh nhân. Trường hợp ít thì sẽ ưu tiên đưa vào bệnh viện Nhiệt đới trung ương – là nơi tiếp nhận đầu tiên điều trị đồng thời để hoàn chỉnh những phác đồ điều trị tiếp theo, đồng thời để cách ly bệnh nhân, đảm bảo yêu cầu.”
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ về nguồn lây, phương thức lây truyền, thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vacxin phòng cúm AH7N9. Cũng không ngoại trừ khả năng virus có thể biến đổi, kết hợp với các chủng khác thành chủng mới với độc lực cao. Do vậy, chủ động các biện pháp dự phòng, trước hết là tại các cửa khẩu, hạn chế đến mức thấp nhất dịch xảy ra tại nước ta là điều cần thiết nhất hiện nay./.