Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải họp bàn đối phó với bão số 14
VOV.VN - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã động viên chính quyền, bà con nhân dân sẵn sàng ứng phó với bão số 14...
Trong buổi chiều nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã kiểm tra tình hình đối phó với bão số 14 tại các huyện phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, kiểm tra công tác sơ tán dân ở vùng ven biển các xã Hải Khê, Hải An, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị.
Tại những nơi này, chính quyền địa phương sử dụng loa phóng thanh liên tục thông báo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, dự báo bão, tiếp âm các bản tin của Đài TNVN nhắc nhở người dân chằng chống nhà cửa sơ tán dân.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kiểm tra tình hình neo đậu tàu thuyền tại nơi neo đậu tàu thuyền nam Cửa Việt, làng Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong.
Tại đây, hàng chục tàu thuyền neo đậu nhưng lại rất ít trụ mố neo, ngư dân phải neo thuyền vào gốc dừa, rất nguy hiểm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhắc nhở chính quyền địa phương tìm biện pháp chằng buộc lại tàu thuyền.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã động viên chính quyền, bà con nhân dân sẵn sàng ứng phó với bão số 14, đồng thời đề nghị bà con cảnh giác, lường trước các tình huống úng ngập hoặc bị chia cắt khi mưa bão.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn bộ 2.500 tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị đã vào nơi neo đậu. Tỉnh có kế hoạch sơ tán 20.000 hộ dân với 82.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Đến thời điểm này, cả tỉnh đã sơ tán được 13.000 hộ với 43.000 nhân khẩu vùng xung yếu đến nơi an toàn.
Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện bão số 14 đã quét qua quần đảo Trường Sa với gió giật cấp 13-14 nhưng cán bộ chiến sĩ và ngư dân tránh bão trên các đảo vẫn đảm bảo an toàn. Các tỉnh từ Ninh Bình đến Phú Yên sẽ sơ tán gần 1 triệu người, đến thời điểm này đã sơ tán 365.000 người.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao tinh thần cảnh giác và chủ động tránh bão của người dân địa phương, ngay trong lúc trời còn nắng, nhưng người dân đã tự động sơ tán.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý chính quyền và người dân tỉnh Quảng Trị chuẩn bị tốt các phương án 4 tại chỗ, nghiêm túc thực hiện các kế hoạch sơ tán, tuyệt đối không được chủ quan ở lại trên tàu thuyền, qua lại các điểm nguy hiểm khi bão vào.
Phó Thủ tướng nhắc nhở, trong đêm nay, tỉnh Quảng Trị kiểm tra lại các phương án sơ tán dân, giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thuốc men cho những hộ dân di dời đến các trụ sở trường học.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý chỉ đạo vận hành hồ chứa, tránh ngập lũ cho vùng hạ du, trong thời gian bão đổ bộ, không cho xe cộ qua lại trên đường.
Lúc 9h ngày 9/11, cơn bão số 14 đã quét qua đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Phó Thủ tướng kiểm tra tình hình dân cư |
Tại các điểm Phó Thủ tướng đến kiểm tra, chính quyền các địa phương đã sơ tán người già, trẻ em, người khuyết tật từ rất sớm. Lực lượng công an, quân đội sử dụng xe chuyên dụng để giúp dân sơ tán.
Chằng chống nhà cửa để tránh thiệt hại do bão gây ra |
Do chủ động phòng tránh bão nên không có thiệt hại về người và tài sản. Thượng tá Nguyễn Trọng Bình - Bí thư Đảng ủy - Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: “Hiện nay tàu thuyền vẫn ở trong âu và được chằng buộc kiểm tra chặt chẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối. Còn ngư dân và bà con ở trên đảo vẫn an toàn”.
Đối phó với bão số 14, chiều nay, huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị đã huy động lực lượng thanh niên xung kích tập trung giúp dân chằng chống nhà cửa.
Ông Trương Khắc Trưởng - Phó Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt huyện đảo Cồn Cỏ cho biết: Trước 17h chiều nay, 150 nhân khẩu ở vùng xung yếu đã được di dời đến nơi an toàn.
Sáng 9/11, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn thị trấn Năm Căn – một trong những vùng ven biển trọng điểm của tỉnh Cà Mau bị ngập nước nghiêm trọng.
Do đêm qua nhiều nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn, kết hợp triều cường dâng cao, làm cho việc đi lại của người dân và học sinh gặp nhiều trở ngại.
Chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân ở các tuyến sông chủ động di dời đến nơi an toàn phòng khi bị ảnh hưởng siêu bão Haiyan.
Cũng do mưa lớn đúng vào thời điểm nông dân các xã vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời đang chuẩn bị xuống giống trà lúa vụ 2 với hơn 26.000 ha, nên gặp rất nhiều khó khăn.
Tại huyện Phú Tân có 617 phương tiện khai thác thủy sản hoạt động trên biển. Tính đến tối qua, đã có 588 phương tiện vào bờ neo đậu an toàn, 39 phương tiện đang hoạt động trên biển đã liên lạc sớm vào bờ hoặc ra khỏi vùng nguy hiểm trong ngày 9/11.
Hôm nay, huyện Phú Tân có kế hoạch di dời 7 cụm dân cư ven biển với hơn 2.600 hộ có khả năng bị ảnh hưởng của bão.
Theo báo cáo của hai Đồn biên phòng Kinh Hội và Tiểu Dừa vùng ven biển huyện U Minh, đến sáng nay trên vùng biển quản lý còn 279 phương tiện với 2.147 thuyền viên đang đánh bắt trên biển, trong đó đang hoạt động ở vùng biển Thổ Chu 53 tàu với 411 thuyền viên.
Các tàu này đã được lực lượng biên phòng liên lạc để thông báo về diễn biến của siêu bão Haiyan. Ban chỉ huy các đồn biên phòng đã phân công cán bộ túc trực tại Đài canh và mở máy liên lạc 24/24h để cập nhật thông tin các phương tiện.
Đồng thời, các đồn biên phòng cũng phân công lực lượng giúp dân ven biển sơ tán nếu xảy ra tình huống xấu. Hiện nay, trên tuyến đê biển Tây có khoảng 9.000 người thuộc hai xã ven biển là Khánh Tiến và Khánh Hội cần được di dời khẩn cấp nếu có bão xảy ra.
Sáng nay, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình phối hợp với các lực lượng chức năng, hướng dẫn cho hơn 3.500 tàu cá với trên 15.000 thuyền viên đang ở ngoài khơi tìm tránh trú bão.
Đồn Biên phòng Roòn đã xuống các địa bàn giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển những vật dụng cần thiết đến nơi an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị 3 tàu, 4 ca nô, 25 xe ô tô, đảm bảo 70% quân số trực sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ.
Còn tại Thanh Hóa, theo dự báo bão số 14 sẽ không ảnh hưởng trực tiếp nhưng sẽ có ảnh hưởng mưa vừa, mưa to, ven biển có gió giật mạnh.
Để chủ động phòng tránh, các huyện ven biển rà soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền; cấm tàu ra khơi và bằng mọi biện pháp kiên quyết kêu gọi tàu thuyền khẩn trương về bờ tránh bão; và chủ động kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm ven biển, ven cửa sông trước khi bão đổ bộ vào bờ.
Tại huyện Tĩnh Gia, đến thời điểm này, đã có hơn 1850 tàu thuyền với gần 7.000 lao động về bến tránh trú. Hiện, địa phương còn gần 380 tàu thuyền đánh bắt xa bờ cũng đã biết thông tin diễn biến mới nhất của bão số 14 và đã về các địa phương khác để tránh bão.
UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành, thị, các xã, phường, thị trấn bàn biện pháp ứng phó với cơn bão số 14.
Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Tiền Giang yêu cầu Ban chỉ huy PCLB các huyện, các cấp, các ngành tổ chức trực ban 24/24h để theo dõi diễn biến của bão; thông báo cho các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn; tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng biển nguy hiểm về bờ hoặc ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tính đến 20h30’ ngày 8/11, tổng số tàu thuyền đã vào bờ tránh trú an toàn 923 chiếc với hơn 4.500 người; số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 453 chiếc với 3.887 người, chủ yếu là tàu đánh bắt xa bờ. Hiện số tàu đánh bắt xa bờ ở khu vực an toàn và thường xuyên nắm bắt thông tin liên lạc để tránh bão.
Hầu hết các địa phương đến thời điểm này đã sẵn sàng các phương án phòng chống bão: công tác di dân, nơi neo đậu tàu thuyền, công tác hậu cần lương thực thực phẩm, thuốc men, công tác chằng chống nhà cửa…
Kể từ 6h ngày 9/11, tỉnh Trà Vinh đã chính thức cấm tàu thuyền hoạt động ngoài khơi và triển khai các phương án ứng phó với cơn bão Haiyan.
Mọi hoạt động đánh bắt, vận chuyển ngoài khơi và khu vực ven biển của tỉnh Trà Vinh đều bị cấm. Theo đó, hiện có hơn 800 trong số gần 1.300 phương tiện đánh bắt của tỉnh này đã được đưa vào neo đậu tại các khu neo đậu trú bão Định An, Cung Hầu và Láng Chim, trong đó có hàng chục tàu đánh bắt xa bờ của các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang…
Ngoài việc cấm tàu thuyền ra khơi, tăng cường kiểm tra an toàn các bến đò ngang, đò dọc, các xã duyên hải, xã bãi ngang - những nơi có khả năng đe dọa bởi bão số 14, các lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên đang giúp dân khẩn trương chằng chéo lại nhà cửa. Riêng hơn 4.000 hộ dân định cư phía ngoài đê biển và trên cồn Bần, cồn Hô, cồn Phụng, cồn Chiên trên sông Cổ Chiên cũng đã có phương án sơ tán vào trường học, UBND xã, UBND huyện được xây dựng kiên cố./.