Rượu độc làm chết nhiều người “lọt lưới” 4 cơ quan
Câu chuyện ngộ độc rượu lần này cho thấy quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng rượu đang lỏng lẻo.
Theo Sở Công thương Hà Nội, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) với 5 mẫu sản phẩm của Công ty CP xuất nhập khẩu 29 (Công ty 29) Hà Nội là cồn nguyên liệu, rượu nếp can 2 lít, vodka nếp chai 700 ml, vodka nếp chai 750 ml, rượu vang đỏ 30gr/lít đều có hàm lượng methanol vượt quá mức cho phép.
Chiều qua UBND TP Hà Nội đã chính thức yêu cầu tạm ngưng hoạt động của Công ty 29 Hà Nội và tạm thu, không cho phép mua, bán sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội”.
“Sản xuất lậu, sản xuất hàng dỏm”
Ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết cơ quan chức năng đã niêm phong kho của Công ty 29 Hà Nội (trụ sở tại 82/310 Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên).
Các cơ quan chức năng kiểm tra tổng đại lý phân phối rượu nếp 29 Hà Nội tại Quảng Ninh |
Điều đáng nói, công ty này sản xuất 6 loại rượu, trong đó một loại có giấy chứng nhận tiêu chuẩn nhưng đã hết hiệu lực từ 7/4/2013. Cơ quan chức năng phát hiện 4 loại rượu khác của công ty có nhãn ghi không phù hợp với nhãn công bố; công ty cũng không thực hiện việc kiểm nghiệm mẫu định kỳ theo quy định.
Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng “có vấn đề” trong vụ việc này. “Lạ ở chỗ là giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của Công ty 29 Hà Nội đã hết hiệu lực hơn nửa năm và không thực hiện việc kiểm nghiệm mẫu định kỳ theo quy định, nghĩa là chưa được phép của cơ quan quản lý mà đã sản xuất và đưa ra thị trường bán tràn lan. Qua sự việc này cho thấy, hiệu quả quản lý không đạt. Việc thực hiện các quy định liên quan lỏng lẻo, nhất là việc kiểm soát của cơ quan chức năng quá hời hợt. Mãi đến khi xảy ra sự cố lớn, cơ quan chức năng mới vào cuộc phanh phui”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, một lô hàng nào đó trước khi đưa ra thị trường nhà sản xuất đều phải lưu lại mẫu. Khi xảy ra sự cố, ngoài nguyên nhân do lưu thông, phân phối, cần có mẫu lưu để đánh giá chất lượng dễ dàng. “Cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ việc sản xuất, đăng ký và kiểm soát tất cả những sản phẩm do công ty này đã bán ra. Việc công ty không đăng ký, nghĩa là sản xuất lậu, sản xuất hàng dỏm”, ông Tuấn nói.
Đại diện Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam cho hay, phần lớn các cơ sở sản xuất rượu hiện nay ở Việt Nam không có khâu làm nguyên liệu, mà đều mua nguyên liệu về sản xuất, kiểm soát không tốt.
“Một năm, cả nước sản xuất và sử dụng hàng triệu lít rượu, nhưng chỉ kiểm soát được những doanh nghiệp lớn “có tóc”. Vì chi phí để kiểm tra rất lớn, chỉ tính riêng máy kiểm soát nồng độ cồn ít nhất trên 3 tỉ đồng.
Trên một sản phẩm rượu có tới 4 ông quản lý, như giấy phép kinh doanh do Sở KH-ĐT cấp, giấy phép sản xuất rượu do Sở Công thương cấp, nhãn hiệu do Sở Khoa học - Công nghệ cấp, đăng ký chất lượng do Sở Y tế cấp, nhưng câu chuyện ngộ độc rượu lần này cho thấy quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng rượu đang lỏng lẻo”, ông này nói.
Nhiễm độc, mù mắt…
TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cũng cho rằng điều bất thường trong vụ này chính là vấn đề kiểm soát và đăng ký chất lượng, hàng hóa. “Methanol cực độc, không dùng để chế biến thực phẩm bao giờ.
Các bác sĩ của Khoa Điều trị nghiện chất - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cũng cảnh báo qua xét nghiệm những loại rượu được pha chế từ cồn, thường xuyên có hai thành phần độc tố vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép và gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Đó là chất Aldehyde có trong dung dịch ngâm xác người, chiếm tỷ lệ 30 - 40% trong rượu nấu thủ công và pha cồn. Kế đến là chất methanol. Methanol vô cùng độc hại với hệ tim mạch, thần kinh, suy hô hấp, gây mù lòa, gây dị dạng thai nhi…
Vài năm trở lại đây, số bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để điều trị chứng bệnh rối loạn tâm thần do rượu đều tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Tính riêng năm 2012 đã có tới 600 bệnh nhân nhập viện do dùng rượu. Chưa hết, nếu dùng phải rượu kém chất lượng cũng rất dễ dẫn tới loạn thần mãn tính. Những trường hợp này có biểu hiện hưng phấn thái quá, mất kiểm soát lý trí, suồng sã trong giao tiếp, ứng xử kèm theo ảo giác bất thường, loạn thị…. rất dễ gây án mạng, hiếp dâm, cướp của. Hoặc thường bị hoang tưởng, đặc biệt là hoang tưởng ghen tuông dẫn đến hàng loạt các vụ án giết người./.
Vụ “Rượu nếp 29 Hà Nội” gây ngộ độc hàng loạt khiến người ta phải giật mình vì hiện tại, loại rượu 10.000 đồng/lít, được nấu thủ công đang tràn ngập thị trường Hà Nội và các tỉnh phía bắc.
Hàng chục quán nhậu đêm nằm quanh khu vực Sân vận động Mỹ Đình, Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình cũng đều mời chào thực khách loại rượu trắng giá chỉ trên dưới 10.000 đồng/lít. Khi được hỏi, các chủ quán một mực khẳng định đây là loại rượu quê, nấu bằng men gạo hẳn hoi. Tuy nhiên, khi xem qua những thông tin ghi trên nhãn chai rượu, thì đều không thấy đề tên cơ sở, ngày sản xuất, nồng độ cồn... ngoại trừ dòng chữ “Rượu trắng”, “Rượu quê” ghi trên mảnh giấy trắng, được dán đè lên thân chai bằng miếng băng dính. Chưa hết, loại rượu không nhãn mác này được các chủ hàng ăn, quán nhậu bày bán một cách công khai.
Theo điều tra, sở dĩ có loại rượu giá rẻ bất ngờ như vậy là do người nấu sử dụng công thức pha chế từ cồn công nghiệp + nước giếng = rượu trắng, hoặc men tươi Trung Quốc + cơm ủ = rượu trắng. Theo đó, cứ mỗi chiếc phuy có dung tích 220 lít được đổ vào đó từ 18 - 20 lít cồn công nghiệp, phần còn lại là nước giếng. Sau khi dùng que gỗ khuấy đều, dân làm rượu dùng chiếc nhiệt kế để đo nồng độ. Nếu rượu nặng, sẽ pha thêm nước giếng. Còn nếu rượu nhạt, cồn sẽ được bỏ bổ sung. Với công thức pha chế rượu kiểu này, mỗi ngày chủ cơ sở có thể tung ra thị trường cả nghìn lít rượu.
Qua thực tế, thôn Đại Lâm thuộc xã Tam Đa (H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) hiện là nơi đi đầu trong việc sản xuất loại rượu trắng pha từ cồn công nghiệp + nước giếng. Mỗi ngày có cả chục nghìn lít rượu kiểu này xuất ra thị trường. Ông Vũ Đình Minh, Phó chủ tịch UBND xã Tam Đa thừa nhận, hiện tại trên địa bàn xã có trên dưới 300 hộ sản xuất rượu, mỗi ngày bán ra thị trường cả chục nghìn lít, nhưng chưa có bất kỳ hộ nào được cấp giấy phép kinh doanh cũng như giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm.