Sức bật cho ngành lâm nghiệp Bắc Kạn

Khi người dân đã tự ý thức được giá trị của rừng, thì vấn đề nóng về trồng rừng đối với tỉnh miền núi như Bắc Kạn cũng sẽ có nhiều thay đổi

Đối với người gắn bó với ngành lâm nghiệp lâu năm như ông Quách Đăng Quý - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, ký ức câu chuyện về trồng rừng hơn 30 năm trước của tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn) có lẽ thật khó quên.

Ươm giống cây rừng tại lâm trường Ba Bể.

Vào những năm thập kỷ 80, khi sức ép về lương thực quá lớn, đa số người dân Bắc Thái đua nhau phá rừng làm rẫy. Chính điều này đã khiến những cánh rừng bạt ngàn nơi đây sớm nhanh chóng biến thành những khoản đất trống, đồi trọc. Nhưng điều khiến những người như ông Quý trăn trở là khi Chương trình Farm hỗ trợ công tác trồng rừng cho tỉnh. Với Chương trình Farm, mỗi người dân trồng rừng ngoài việc được nhận cây giống, họ còn được hỗ trợ thêm gạo. Tuy nhiên, nỗi buồn ám ảnh ông Quý khi chứng kiến cảnh người dân nhận hỗ trợ gạo rồi lén lút vứt hết giống cây rừng để trồng xuống khe suối.

Ký ức buồn ấy, cứ theo đuổi những người như ông Quý hơn 20 năm, rồi đến khoảng thời gian từ năm 2006 – 2007, khi kỹ thuật trồng trọt do thâm canh cây lúa trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, người dân đã có cái ăn thì ý thức về trồng rừng cũng bắt đầu thay đổi.

Nếu trước đây, đối với các hộ dân trồng rừng phải chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước về giống, về phân bón thì giờ đây, nhận thức của người dân đã thay đổi hẳn. Dù rằng, trồng rừng của Bắc Kạn vẫn dựa vào các chương trình, dự án của Chính phủ là chính nhưng năm 2011, người dân đã trồng được 1.500ha rừng mà không cần chờ vào sự hỗ trợ.

Gắn kết giữa chế biến và trồng rừng – lối đi mới

Ông Nông Văn Chí – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn hồ hởi cho biết, năm 2011, tỉnh đã trồng được 14.000ha rừng, một con số ngoài dự tính. Bởi vậy, trong năm 2012, tỉnh sẽ tiếp tục đặt mục tiêu trên con số 14.000ha.

Tất nhiên, để giúp người dân phát triển rừng, gắn bó với rừng không chỉ thực hiện những cuộc vận động, tuyên truyền suông, mà để người dân gắn bó với rừng, thì phải làm cho rừng đưa lại những lợi ích rõ rệt cho người dân.

Lối ra này của ngành lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã có câu trả lời với sự ra đời của Công ty Cổ phần SAHABAK. Công ty là kết quả chuyến làm việc của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Bắc Kạn vào tháng 11/2007. Ngày đó, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đưa các doanh nghiệp ở TP HCM, Hà Nội lên Bắc Kạn để tìm hiểu về tiềm năng của Bắc Kạn. SAHABAK là cái tên được ghép từ 3 địa danh: SA (Sài Gòn) - HA (Hà Nội)- BAK (Bắc Kạn). Công ty cổ phần SAHABAK được sáng lập bởi 4 cổ đông là: Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội và Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn – Đông Dương.

Ông Lê Viết Thắng – Tổng Giám đốc SAHABAK (Bắc Kạn)

Ông Lê Viết Thắng – Tổng Giám đốc SAHABAK cho biết, ngành nghề của SAHABAK chính là chế biến gỗ nhưng trọng tâm là sản xuất gỗ MDF – ván sợi nhân tạo – nguyên liệu là gỗ thông trồng. Với công suất 108.000m3 sản phẩm/năm, nhà máy, tiêu thụ 180.000m3 gỗ, tương đương 3.000ha rừng/năm.

Với lợi thế hiện nay của Bắc Kạn là gỗ trồng từ năm 2000 đến nay của các lâm trường quốc doanh, nhưng sản lượng hiện nay mỗi năm chỉ khoảng 20.000 - 30.000m3/năm. Hoạt động của SAHABAK sẽ giúp giải quyết được tương đối sản lượng gỗ trồng cách đây khoảng 10 năm của Bắc Kạn với nhà máy gỗ ép.

Hiện vùng nguyên liệu chưa đảm bảo nên dự kiến đến quý II/2014 nhà máy mới bắt đầu khởi động. Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân trồng rừng và bảo vệ rừng, công ty đã thực hiện hỗ trợ nông dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của họ. Ông Thắng cũng cho biết, rừng là cây trồng lâu năm mới thu hoạch, bởi vậy công ty cũng tính chuyện giúp người dân “bóc ngắn cắn dài” bằng cách hướng dẫn, hỗ trợ người dân giống đỗ tương, ngô để trồng xen canh. Có như vậy, người dân mới có cái ăn để duy trì việc trồng rừng.

Ngoài ra, để chủ động nguyên liệu, SAHABAK hướng tới việc liên kết với nông dân để có nguyên liệu. SAHABAK sẽ hỗ trợ tiền nhân công bằng hình thức cho vay không lãi khoảng 3 triệu đồng/ha. Đến kỳ thu hoạch, công ty sẽ sẽ tính vào sản phẩm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người dân theo giá thỏa thuận.

Ông Nông Văn Chí – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn bộc bạch: “Là một tỉnh với 80% diện tích đất lâm nghiệp, nhưng sự ra đời của SAHABAK đang tạo ra bước đi mới cho ngành lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn. Mặc dù bức tranh trồng rừng của Bắc Kạn vẫn còn màu xám nhưng với ý thức trồng rừng của người dân được nâng lên đang giúp Bắc Kạn xác định mục tiêu kinh tế của tỉnh trong tương lai sẽ đưa ngành trồng rừng lên làm mũi nhọn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên