Sức khỏe tâm thần của phi công, lái xe... phải được theo dõi sát sao
VOV.VN -Không chỉ phi công mà nhiều ngành nghề khác chịu áp lực cao như lái xe ô tô, lái tàu… thì việc theo dõi sức khỏe rất quan trọng.
Những ngày qua, vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không giá rẻ Germanwings khiến 150 hành khách và toàn bộ phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng đã làm rúng động dư luận. Nguyên nhân vụ tai nạn, mặc dù chưa có kết quả chính thức, song với những dữ liệu được công bố từ hộp đen cho thấy, có thể do sức khỏe có vấn đề của phi công.
Vậy, việc chăm sóc và kiểm tra sức khỏe của phi công nói riêng, và người lao động trong nhiều ngành nghề chịu áp lực cao khác như thế nào? Gia đình, cộng đồng và các cơ quan chức năng phối hợp ra sao để tránh được sự kì thị, gây ra hậu quả không đáng có với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần? Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
PV: Thưa bác sĩ La Đức Cương, ông cảm thấy như thế nào khi thế giới tiếp tục đón nhận thêm một tai nạn hàng không trong năm 2015?
Bác sĩ La Đức Cương: Đây là một sự việc đau lòng. Và có lẽ chúng ta có những giải pháp tốt đối với trường hợp phi công cơ phó – người được cho là có vấn đề về sức khỏe tâm thần trước đấy, thì đã tránh được những tai nạn thương tâm đáng tiếc như thế này.
Thông tin các báo đưa thì khả năng nhiều là anh ta bị rối loạn trầm cảm. Mà anh này giấu bệnh nên các cơ quan không biết, không kiểm tra và để cho làm việc bình thường.
PV: Thực tế người phạm tội trong lúc mắc bệnh tâm thần thì không chịu trách nhiệm hình sự (quy định trong bộ luật hình sự của nhiều quốc gia và Việt Nam). Là một chuyên gia về tâm thần học, bác sĩ có thể cho biết bệnh tâm thần là gì và dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh?
Bác sĩ La Đức Cương: Nói riêng về anh cơ phó, trước tai nạn anh đã bị sang chấn tâm lý với bạn gái. Những người có vấn đề về tâm lý, đặc biệt là trầm cảm thì rất dễ bị tái phát. Người mắc bệnh là những người có rối loạn về tâm sinh lý như căng thẳng, mất ngủ, lo lắng, buồn phiền, nói năng không giữ gìn.
Những người mắc bệnh nặng thường đập phá, kích động, hoang tưởng, ảo giác rõ ràng. Còn những người bị nhẹ thì chỉ mất ngủ thôi, cảm giác ăn không ngon miệng, bồn chồn, khó chịu, khó thư giãn. Nếu không phải nhà tâm thần học, hoặc nhà tâm thần học không tìm hiểu kỹ cũng khó phát hiện bệnh.
PV: Ông có nhắc đến khái niệm “Rối loạn tâm thần”, ông có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này với khái niệm “bệnh tâm thần” được quy định trong bộ luật hình sự của chúng ta? Và bệnh trầm cảm có được coi là bệnh tâm thần?
Bác sĩ La Đức Cương: Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (1992) thì hầu như người ta đã bỏ khái niệm “bệnh tâm thần”, chỉ còn duy nhất bệnh tâm thần phân liệt. Và “bệnh trầm cảm” cũng không còn nữa, hiện nay được gọi là “Rối loạn trầm cảm”. Còn các bệnh khác thì đưa vào nhóm “Các bệnh rối loạn tâm thần”. Vì muốn chẩn đoán được bệnh thì phải tìm hiểu bệnh nguyên, bệnh sinh cụ thể, đặc biệt là tiên lượng. Mỗi trường hợp bệnh đều tiến triển khác nhau do đặc thù môi trường sống, các mối quan hệ gia đình xã hội.
Riêng về rối loạn trầm cảm, nếu bị nặng thì buồn chán, có ý tưởng tự sát. Những trường hợp này dễ phát hiện và được đưa đến bệnh viện tâm thần điều trị. Còn trường hợp vừa hoặc nhẹ thì có triệu chứng đau đầu, mất ngủ, kém ăn, các triệu chứng cơ thể khác che đậy (trầm cảm ẩn) thì khó phát hiện.
PV: Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho viên phi công là rất quan trọng?
Bác sĩ La Đức Cương: Không chỉ phi công mà nhiều ngành nghề khác liên quan tới nhiều người, chịu áp lực cao như lái xe ô tô, lái tàu… thì việc theo dõi sức khỏe là rất quan trọng. Đặc biệt với những trường hợp mắc trầm cảm vì họ có sự tái phát và bùng phát hành vi rất nguy hiểm.
Sau vụ tai nạn máy bay GermanWings thì nhiều hãng hàng không đã áp dụng trở lại quy tắc 2 người trong buồng lái. Việt Nam thì đã áp dụng từ năm 2015. Ngoài biện pháp trên, theo ông, chúng ta cần làm gì để tránh những vụ việc tương tự?
Bác sĩ La Đức Cương: Trong khâu tuyển dụng, nhất là những ngành nghề chịu nhiều áp lực, thì cần phải khám về tâm thần học. Và nếu có vấn đề thì ta cần can thiệp để chuẩn bị về mặt tâm lý cho họ để có thể dễ dàng.
PV: Ông có thể đưa ra lời khuyên dành cho người dân trong việc phòng, tránh các vấn đề về sức khỏe tâm thần?
Bác sĩ La Đức Cương: Hiện nay, số lượng người có vấn đề về sức khỏe tâm thần mà đi lang thang ngoài xã hội chỉ chiếm 4-5%. Tức là số người mắc bệnh ẩn tại cộng đồng là rất lớn, chúng ta chưa phát hiện được.
Muốn phòng bệnh thì phải phát hiện sớm. Khi có vấn đề như ăn, ngủ, ứng xử, tiếp xúc, cảm thấy trong người không thoải mái thì đấy là liên quan đến sức khỏe tâm thần. Khi đó cần đi khám, tư vấn sớm.
Còn đối với cơ quan, bạn bè, gia đình cũng không nên phần biệt, kỳ thị rằng đi khám sức khỏe tâm thần là ghê gớm. Không nên nặng nề chuyện đó và cần động viên người có triệu chứng đi khám.
PV: Xin cảm ơn ông!