Tàu Sunrise 689 mất tích: Nguy cơ cướp biển đã được cảnh báo
Theo Bộ Công an, cướp biển ở khu vực Đông Nam Á không bắt cóc tống tiền hay gây sát thương mà chủ yếu là lấy hàng hóa trên tàu.
Liên quan đến tàu Sunrise 689 cùng 18 thuyền viên của Công ty Cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng bị mất tích khi đang hành hải từ Singapore về Việt Nam, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã nhận được thông tin và giao Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực điều tra nguyên nhân cũng như tìm kiếm các thuyền viên.
Tàu chở dầu Sunrise 689 cùng 18 thuyền viên mất tích (Ảnh: Dân trí)
Đề cập đến hoạt động vận tải biển, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hàng năm tần suất vận tải trên biển Đông rất lớn, rủi ro trên biển cũng khó nói trước. Cách đây 2 năm cũng từng xảy ra vụ chìm tàu Vinalines Queen khi chở quặng rời trên hành trình từ Indonesia về Trung Quốc. Sự mất tích của tàu Sunrise 689 là một dạng như vậy.
Trung tâm thông tin cướp biển - Cục hàng hải quốc tế (IMB) ngày 7/10 đã phát đi thông báo về việc tàu chở dầu Sunrise 689 của Việt Nam bị mất tích và yêu cầu các tàu khác tìm kiếm với những lo ngại có thể con tàu này đã bị cướp. Nghi ngờ này của IMB được xem là có cơ sở khi nạn cướp biển trên các vùng biển Đông Nam Á ngày một tăng.
Hồi tháng 8 vừa qua, Bộ Công an Việt Nam đã thông tin tới Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và những cảnh báo tăng cường an ninh khi hoạt động cướp biển gia tăng cả về số lượng và tính chất vụ việc, nhằm vào các tàu chở dầu kích cỡ vừa, tàu chở hàng hóa có giá trị.
Bộ Công an cảnh báo, các vụ cướp biển ở Đông Nam Á gần đây thường xảy ra ở những khu vực có nhiều tàu chở dầu qua lại như eo biển Malacca và các vùng biển quốc tế ít có hoạt động của hải quân các nước Indonesia, Malaysia… Cướp biển nhằm vào các tàu chở dầu kích cỡ vừa, tàu chở hàng hóa có giá trị và khả năng tiêu thụ tốt ở thị trường chợ đen, đặc biệt là dầu lửa.
Theo Bộ Công an, khác với cướp biển Somalia và Nigeria, cướp biển ở khu vực Đông Nam Á không bắt cóc tống tiền hay gây sát thương mà chủ yếu là lấy hàng hóa trên tàu.
Vừa qua, báo cáo của Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển có vũ trang tại châu Á cũng đã dẫn chứng về 8 vụ cướp biển đã xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2014 ở khu vực Đông Nam Á (tăng 5 vụ so với năm 2013). Những con tàu đi trên vùng biển Đông Nam Á bị cướp biển khống chế đều là tàu chở dầu./.