Thích nghi cùng ngôi nhà thời dịch bệnh
VOV.VN - Nhiều gia đình đã có những thay đổi cùng ngôi nhà của mình để thích nghi với hoàn cảnh sống chung với dịch bệnh Covid-19.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng đã có những tác động lớn đến xã hội. Với rất nhiều người, là sự đảo lộn, xáo trộn trong sự sinh hoạt, ăn ở và làm việc, học tập. Nhiều người ở nhà làm việc, học tập online, tất cả trông vào đường truyền internet và những thiết bị công nghệ. Ngôi nhà thường là nơi ra đi buổi sáng và trở về cuối ngày lại thành gắn bó cả ngày, dài ngày với nhiều thành viên trong cùng một lúc. Và vì thế, đã có những ngỡ ngàng, bối rối trong ngôi nhà của mình ở hoàn cảnh ấy.
Khuyến cáo của cơ quan y tế là để ngôi nhà luôn thoáng đãng, nhưng đâu có dễ khi mở cửa đồng nghĩa với việc đón khói bụi, tiếng ồn vào nhà đối với những ngôi nhà phố; bình thường một chút thì không sao, nhưng khi ở nhà cả ngày thì đó là vấn đề nan giải.
Nhà trong ngõ yên tĩnh hơn, nhưng kéo rèm lên cho sáng thì lại bị hàng xóm nhòm sang vì nhà sát nhau… Rồi nhiều người ở nhà cả ngày cũng phát sinh nhiều chuyện, phát sinh mâu thuẫn. Từ chuyện ra đụng vào chạm, chuyện đi chợ ăn uống, chuyện tranh nhau cái… toilet; cho đến làm phiền nhau khi học tập, làm việc khi thời gian biểu chênh nhau… Tù túng, bí bách, ngột ngạt là cảm giác chung của nhiều người khi sống trong hoàn cảnh ấy. Cứ đi loanh quanh trong nhà, nhòm trân trân vào màn hình máy tính, điện thoại mãi cũng phát chán. Rồi tự nhiên lại nhận thấy không có gì để xả hơi, giải trí, thấy ngôi nhà mình thiếu thiếu, không đủ đầy.
Gần nhau thì cũng tốt, nhưng gần quá và kéo dài quá lại phản tác dụng. Mỗi người có một nhu cầu riêng, sở thích riêng và việc làm thỏa mãn nhau đôi khi rất khó. Ngôi nhà không chỉ là nơi trở về ngủ nghỉ, ăn uống như thông thường nữa. Nó vừa là văn phòng, vừa là lớp học, là nơi tập thể dục, là “chỗ cà phê” của người lớn, là sân chơi của trẻ nhỏ - tất nhiên với hình thái vô cùng khác thông thường. Vậy nên nhiều người thấy bối rối trong ngôi nhà của mình cũng là điều dễ hiểu.
Con người là động vật rất biết thích nghi với hoàn cảnh. Và với Covid-19 cũng vậy thôi. Đã gần 2 năm trôi qua, mọi thứ không còn là mới nữa. Mọi người đã dần quen với hoàn cảnh mới, trạng thái mới; tỉnh táo trước mọi biến động có ảnh hưởng tiêu cực để chống chọi, đề kháng, và thiết lập một điều kiện sống mới tốt hơn.
Nhiều gia đình đã có những thay đổi cùng ngôi nhà của mình để thích nghi với hoàn cảnh sống đó. Ví như việc vệ sinh nhà cửa thường xuyên, vứt bỏ những thứ đồ đạc cũ không cần thiết; đi chợ và nấu ăn một cách hợp lý, khoa học, vệ sinh; sinh hoạt điều độ, chăm tập thể dục… Có nhà tranh thủ lúc dịch bệnh không căng thẳng đã cải tạo ngôi nhà theo hướng tích cực và tiện ích, như sơn tường nội thất màu sáng, dùng rèm hai lớp để linh hoạt trong sử dụng; bảo dưỡng các hệ thống kỹ thuật, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu… để đảm bảo ngôi nhà là một “cái máy” vận hành trơn tru, hoàn hảo trong điều kiện dịch bệnh diễn biến xấu hơn mà nhiều dịch vụ có thể sẽ bị ngưng hoạt động. Và nhiều người cũng không quên mua những cuốn sách hay, bổ ích để đọc trong những ngày “cấm túc” ở nhà; bên cạnh việc mua, dự trữ thuốc và các chế phẩm khử khuẩn, sát khuẩn cần thiết.
Chính quyền và các cơ quan y tế đang nỗ lực hết sức trong cơn đại dịch này. Chính quyền và cơ quan y tế có nhiều khuyến cáo để giữ gìn sức khỏe và tránh lây lan dịch bệnh, nhưng những cơ quan này không khuyến cáo phải sống như thế nào. Mọi thứ cứ đến một cách tự nhiên, với mỗi người, với mỗi nhà, với mỗi hoàn cảnh.
Tất cả chuyển động một cách hài hòa, hợp lý và logic. Mỗi ngôi nhà chính là một thành trì chống dịch và tất cả mọi người đều có trách nhiệm đối với xã hội. Tin rằng, rồi sẽ có những loại vaccine hữu hiệu để đẩy lùi dịch bệnh, và cuộc sống, xã hội sẽ trở lại bình thường. Khi đó, những sự thay đổi như đã nói, những mâu thuẫn hay bối rối đã từng có sẽ trở thành những kỷ niệm không quên trong cuộc đời, của mỗi con người, vào những năm 20 của thế kỷ XXI./.