Tính mạng con voi rừng sẽ bị đe dọa
(VOV)-Nếu không bắt được voi để tháo chiếc bẫy đang dính ở vòi, chân để điều trị vết thương kịp thời thì tính mạng voi sẽ bị đe dọa.
Như thông tin đã đưa, một con voi rừng khoảng 7 tuổi, bị mắc bẫy tại tiểu khu khu 453, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn (Đắk Lắk). Một tuần qua, lực lượng chức năng đã tìm nhiều biện pháp để giải cứu nhưng chưa thành công. Nhóm phóng viên Đài TNVN tại Tây Nguyên đã theo chân đoàn cứu hộ nhiều ngày qua, cùng tiến sâu vào vùng lõi Vườn Quốc gia Yook Đôn- nơi các nài voi, cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Yook Đôn và các chuyên gia Thảo cầm viên TP HCM đang dò dẫm lần tìm theo dấu vết của con voi bị thương này.
Chúng tôi đã trao đổi với PV Quốc Học vừa trở về từ vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn trong cuộc tìm kiếm và giải cứu voi rừng mắc bẫy.
Con voi rừng bị dính bẫy (Ảnh: NLĐ) |
VOV: Thưa anh Quốc học, anh có cảm nhận như thế nào khi trực tiếp cùng đoàn cứu hộ voi rừng mắc bẫy ở Vườn quốc gia Yok Đôn?
PV Quốc Học: Trước hết phải nói là khá vất vả, khi chúng tôi phải vượt hàng trăm km từ thành phố Buôn Ma Thuột vào tận vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn để hòa nhập cùng đoàn cứu hộ voi rừng mắc bẫy. Song sự vất vả đó không thể so sánh với nỗi gian lao của hàng chục cán bộ, nhân viên thuộc các lực lượng chức năng cùng người dân địa phương suốt một tuần qua, không kể ngày đêm, mưa nắng, luồn lách trong rừng sâu, lần theo dấu vết chú voi rừng mắc bẫy, với mong sao nhìn thấy nó.
Tôi cũng xin được nói rõ hơn là, từ thứ hai tuần trước, thông tin một con voi rừng, 6-7 tuổi, nặng 7 tạ, cao 1,2m, dài khoảng 3m được phát hiện dính bẫy, di chuyển luẩn quẩn ở tại tiểu khu khu 453, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn. Con voi này bị bẫy kẹp vào vòi nên rất khó khăn trong việc cuốn vòi lấy thức ăn.
Do bị thương nên voi rừng rất hung dữ và hoảng loạn liên tục di chuyển khiến công tác vây bắt, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Vườn Quốc gia Yook Đôn đã huy động 2 voi nhà, 4 nài voi, 1 xe ô tô chở thức ăn cho voi (gồm mía và chuối) cùng nhiều cán bộ thú y vào rừng cứu voi. Đoàn cứu hộ đã túc trực, ăn ở trong rừng nhiều ngày liên tiếp nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được voi bị nạn.
VOV: Nói như vậy, có nghĩa là đoàn cứu hộ chưa tìm thấy con voi mắc bẫy?
PV Quốc Học: Nói đúng ra là đoàn cứu hộ chỉ mới nhìn thấy con voi một lần vào ngày đầu tiên. Còn suốt mấy ngày qua chỉ nhìn thấy dấu vết mà nó để lại thôi. Điều đó cũng dễ hiểu vì địa bàn di chuyển của voi rất rộng, trong 1 ngày nó di chuyển gần 30 km đường rừng.
Thông tin mới nhất là sáng 13/5, con voi này đã vào phá một chòi canh rẫy của người dân ở Buôn ĐRăng Phốc, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Nhưng đó chỉ là dấu vết để lại thôi, chứ cũng không ai thấy chú voi này. Suốt cả ngày hôm qua, đoàn cứu hộ tiếp tục lần theo dấu dân của nó để lại trên đường tuần tra Vườn quốc gia Yok Đôn, cách vị trí chòi canh nó phá khoảng 15 km. Đến lúc mặt trời lặn, màn đêm buôn xuống, đoàn cán bộ và chuyên gia đành phải rời rừng, nhưng các nài voi và 2 voi nhà vẫn ở lại để bám theo dấu vết của con voi bị thương này, để hôm nay cuộc truy tìm vẫn tiếp tục.
VOV: Anh có thể thông tin về tình trạng sức khỏe của con voi bị dính bẫy này thế nào?
PV Quốc Học: Mặc dù chưa tiếp cận được con voi bị nạn, nhưng theo nhận định của các nhà chuyên môn thì tình trạng sức khỏe của con voi này vẫn chưa đến mức nguy cấp. Nhận định này là căn cứ vào mức độ di chuyển của nó trên một vùng rừng rộng lớn, mà lực lực chức năng vẫn không bám kịp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và các nài voi, nếu không bắt được voi để tháo chiếc bẫy đang dính ở vòi, chân và không điều trị vết thương kịp thời thì tính mạng con voi này sẽ bị đe dọa vì voi rất khó khăn trong việc ăn uống.
Đoàn cứu hộ tiếp tục vén cây rừng, để ý từng dấu vết voi rừng để lại tìm mọi cách tiếp cận. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn vì voi rừng khi thấy bóng người áp sát, lập tức bỏ chạy. Chính vì thế mà hôm nay và những ngày tới, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm chú voi rừng mắc bẫy này, với quyết tâm cao nhất.
VOV: Như vậy, đây có phải là lần đầu tiên voi rừng mắc bẫy ở Vườn Quốc gia Yok Đôn không anh?
PV Quốc Học: Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Yok Đôn, đây là lần đầu tiên voi rừng mắc bẫy, nhưng trong những năm qua, lực lượng chức năng thu gom được rất nhiều bẫy thú, súng săn do người dân địa phương mang vào rừng để săn bắt.
VOV: Điều đó có nghĩa là môi trường của thú rừng, mà cụ thể là voi rừng ở đây đang bị hủy hoại?
PV Quốc Học: Đúng vậy, đây là một vấn đề nan giải. Không chỉ bị đe dọa từ việc mất dần sinh cảnh do sự phá rừng ào ạt của con người, voi hoang dã Đắk Lắk đang bị rình rập bởi một mối nguy hiểm khác là từ các tay săn thú “ngang nhiên” mang súng săn, bẫy thú đi lại trong Vườn quốc gia Yok Đôn. Môi trường sinh sống của voi rừng đang bị thu hẹp nghiêm trọng.
VOV: Cám ơn phóng viên Quốc Học! Mong anh tiếp tục cập nhật thông tin về việc cứu hộ con voi rừng mắc bẫy ở Vườn Quốc gia Yok Đôn và tiếp tục bàn về vấn đề môi trường cho voi rừng ở Tây Nguyên!./.