Vụ nộp tiền tỷ “chống trượt”: Cách chức trưởng, phó phòng
VOV.VN - Giám đốc Trung tâm GDTX Thanh Hóa đã ra quyết định thi hành kỷ luật cách chức Trưởng và Phó phòng quản lý giáo dục của Trung tâm.
Chiều 15/8, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Thanh Hóa, ông Đào Phan Thắng đã ký quyết định thi hành kỷ luật các cán bộ của trung tâm liên quan đến vụ nộp tiền “chống trượt” đầu vào cao học xảy ra trước đó gây xôn xao dư luận.
Theo đó, ông Bùi Sỹ Hồng - Trưởng phòng quản lý đào tạo và ông Lê Trọng Sơn - Phó phòng quản lý đào tạo đều bị cách chức do vi phạm đạo đức nhà giáo và các qui định của viên chức, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Trung tâm và ngành giáo dục đào tạo Thanh Hóa.
Đối với bà Lê Thị Liên - cán bộ phòng quản lý đào tạo bị kỷ luật hình thức cảnh cáo như lý do trên.
Như VOV.VN đã có loạt bài phản ánh về vụ việc 40 học viên, trong đó chủ yếu là cán bộ công chức các cơ quan cấp huyện, Sở tại Thanh Hóa đã nộp tiền “chống trượt” đầu vào cao học ngành quản lý kinh tế (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) với số tiền 1,08 tỷ đồng.
Theo đó, năm 2013, lớp cao học quản lý kinh tế (Trường Đại học kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội), được các cán bộ của Trung tâm đấu mối tự mở tại Thanh Hóa, địa điểm là Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tỉnh Thanh Hóa.
Trong quá trình triển khai, để chắc chắn mình đậu nên đã họp bàn tìm cách “chạy” để “chống trượt”. Các học viên đã đấu mối với ông Bùi Sỹ Hồng - Trưởng phòng quản lý đào tạo, Lê Trọng Sơn - Phó trưởng phòng quản lý đào tạo của TTGDTX tỉnh Thanh Hóa tìm “kế” giải quyết.
Theo đó, các học viên sẽ đóng tiền “chống trượt” mỗi học viên 27 triệu đồng với tổng số tiền 1,08 tỷ đồng (40 học viên). Sau đó, ông Hồng và ông Sơn sẽ tìm cách “chạy” để các học viên đậu. Và nếu như mọi chuyện suôn sẻ có lẽ sự việc không được phơi bày, cả cán bộ Trung tâm cũng như nhiều cán bộ đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước ở Thanh Hóa không “bị lộ” về khả năng của mình.
Trớ trêu thay, sau khi có kết quả thi thì chỉ có 7 người trong số 40 người đậu. Bức xúc trước việc đã nộp tiền để “chống trượt” nhưng vẫn trượt, các học viên đã đòi lại tiền, vụ việc bị vỡ lở.
Trước vấn đề “nóng”, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ những sai phạm.
Ông Hồng và Sơn đã cùng với các học viên tổ chức ôn thi, không báo cáo lãnh đạo Trung tâm về chương trình, kế hoạch thực hiện, mời giảng viên, lệ phí ôn thi. Bà Lê Thị Liên tham gia quản lý lớp từ ngày 28/8/2013. Tuy nhiên, trong quá trình ôn thi, lãnh đạo TTGDTX có biết lớp ôn thi tại Trung tâm.
Khi tiến hành cuộc thi và báo kết quả thì mọi chuyện mới lộ dần, chỉ có 7 trong số 40 học viên thi đỗ. Những người không đậu thấy đã nộp tiền để “chống trượt” nhưng kết quả lại không như mong muốn nên đã kéo đến TTGDTX yêu cầu 3 cán bộ Phòng QLĐT trả lại tiền.
Những sai phạm ban đầu đã được khẳng định nhưng Hội đồng kỷ luật của Trung tâm GDTX Thanh Hóa lại xem xét, xử lý sai qui định và chưa đúng qui định. Thế nên, qua kiểm tra, các đơn vị liên quan đã hủy bỏ các quyết định “cảnh cáo” đối với ông Bùi Sỹ Hồng và bà Lê Thị Liên, “khiển trách” đối với ông Lê Trọng Sơn.
Thay và đó, sau khi Hội đồng kỷ luật họp lại lần 2 đã quyết định cách chức Trưởng, phó phòng quản lý đào tạo đối với ông Bùi Sỹ Hồng và ông Lê Trọng Sơn, cảnh cáo đối với bà Lê Thị Liên.
Về số 40 học viên chủ yếu là cán bộ công chức các cấp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo các cơ quan chủ quản cán bộ của mình kiểm điểm, xử lý tùy mức độ vi phạm./.