Hơn 1 tỷ... “chống trượt” cao học: Thang giá trị bị đảo lộn
VOV.VN - Nhiều cơ quan, tổ chức Nhà nước vẫn tuyển dụng công chức dựa trên các mối quan hệ cá nhân hoặc quá chú trọng vào bằng cấp.
Nghe cuộc trao đổi giữa PV VOV với ông Lê Như Tiến
Tuyển dụng và sử dụng cán bộ công chức đang là điểm nóng thời sự trong những ngày này. Đó là câu chuyện hàng trăm người xếp hàng kín đường để nộp hồ sơ thi tuyển vào Tổng cục thuế, làm việc ở UBND thành phố Hà nội, câu chuyện một lớp học gồm 40 học viên, cán bộ, công chức viên chức đang tác trong sở,ngành, cơ quan hành chính sự nghiệp ở Thanh Hóa, trong đó có nhiều người là cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn thuộc diện qui hoạch lãnh đạo nộp đến 1 tỷ đồng để …chống trượt, hay tiêu cực trong thi tuyển ở Bộ Công thương, rồi vụ việc cán bộ cấp Vụ bị bắt có liên quan tới băng nhóm xã hội đen…
Điều này đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan chất lượng, qui hoạch, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ. Liên quan đến vấn đề này, PV VOV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Văn hóa thanh thiếu niên, nhi đồng Quốc hội.
PV: Thưa ông, mấy ngày nay, cả trăm người xếp hàng kín đường để được nộp hồ sơ thi tuyển làm công chức, cụ thể là làm việc ở Tổng cục Thuế ông Bình luận gì về sự kiện này?
Ông Lê Như Tiến: Hiện nay áp lực về việc làm rất lớn, không phải chỉ ở Tổng cục Thuế mà ở tất cả các cơ quan Nhà nước khác. Nhiều người muốn vào các cơ quan Nhà nước làm việc vì cho rằng cơ quan công quyền Nhà nước có mức tiền lương, việc làm ổn định lâu dài, cho dù nhiều doanh nghiệp tư nhân có tiền lương cao hơn.
Hàng trăm thí sinh từ khắp nơi đã tập trung trước trụ sở Cục thuế Hà Nội để chờ nộp hồ sơ thi tuyển công chức (Ảnh: Vnexpress)
Nhu cầu thi tuyển đặc biệt càng cao hơn đối với các cơ quan như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, những nơi được “đồn” là có thu nhập cao. Ngoài thu nhập thực tế còn có những khoản thu nhập ngoài.
PV: Tuyển công chức từ lâu vẫn râm ran câu chuyện thi là để có chứ toàn con ông cháu cha, thậm chí có nhiều tiêu cực. điển hình nhất là vụ tiêu cực thi công chức vừa vỡ lở ở Bộ Công Thương. Thực tế này đặt ra vấn đề này trong vấn đề tuyển dụng công chức, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Tôi cũng đã nghe đến nhiều vụ việc tiêu cực ở một số bộ ngành, cơ quan Nhà nước. Nơi nào càng có thu nhập cao, thì nơi đó việc tuyển chọn, bổ nhiễm thường phức tạp hơn. Công tác cán bộ, tuyển công chức thường xảy ra nhiều tiêu cực.
Nhiều cử tri cũng gửi đơn thư phản ánh về việc đôi khi có những cơ quan tuyển công chức chỉ là hình thức, công khai về việc thi tuyển, nhưng thực chất ai trúng, ai không thì đã có kết quả từ trước khi thi.
PV: Vụ 40 công chức tại Thanh Hóa đóng cả tỷ đồng để “chống trượt” mấy ngày qua gây xôn xao dư luận. Theo tin mới nhất, ba cán bộ Trung tâm giáo dục thường xuyên đã bị triệu tập để điều tra vụ việc. Từ những vụ việc này, ông có ý kiến thế nào về công tác thi cử, quản lý và sử dụng cán bộ hiện nay?
Ông Lê Như Tiến: Lâu nay, nhiều cơ quan Nhà nước tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm công chức theo kiểu quen biết, thông qua quan hệ cá nhân, tiền bạc rồi mới đến trí tuệ. Có thể thấy thang giá trị đã bị đảo lộn, do đó chúng ta sẽ không có được công chức tốt, mẫn cán, có đức có tài. Vì thế, theo tôi cần phải thay đổi cách thi tuyển công chức, nên hướng tới áp dụng cách thi tuyển của một số doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài tuyển theo thực tài, đưa ra tình huống để thí sinh có thể phản ứng ngay.
Bên cạnh đó, muốn tìm thực tài thì phải qua thử thách, thực tế công việc, chứ không phải chỉ nghiên cứu hồ sơ, chú trọng đến bằng cấp. Bên cạnh đó, cần công khai minh bạch số lượng người tuyển dụng, số chỉ tiêu, hội đồng tuyển sinh phải độc lập.
PV: Nói đến đây chúng ta không thể không nhắc đến chuyện rất thời sự khi mà một Phó Trưởng Ban Tổ chức Quận Ủy ở Cầu giấy còn rất trẻ, diện qui hoạch vừa dính đến mọt vụ án giết người? Đặt ra một vấn đề quan trọng khác đó là việc thẩm định, bổ nhiệm và qui hoạch cán bộ hiện nay cần phải thực hiện như thế nào cho chính xác, hiệu quả và đúng người, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Việc một cán bộ công chức của một cơ quan Nhà nước mà lại bắt tay, “đi đêm” với xã hội đen rất đáng lên án. Xã hội sẽ không còn kỷ cương, kỷ luật. Trước đây, chúng ta cũng đã từng có bài học sâu sắc với vụ án Năm Cam, khi nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp cũng đã liên kết với xã hội đen, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với đất nước.
Chúng ta cần phải xem xét lại khâu quyển dụng, quản lý cán bộ, để cử tri giám sát được hoạt động của công chức đó. Theo tôi, nên có cơ chế để cử tri giám sát hoạt động của cán bộ tại cơ quan cũng như tại địa phương để việc quản lý cán bộ, công chức đạt hiệu quả tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!./.