13 tỉnh thành ĐBSCL liên kết, phục hồi du lịch sau dịch COVID-19
VOV.VN - Chiều 28/2, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội nghị “Phục hồi và phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trong trạng thái bình thường mới”.
Đại diện lãnh đạo 13 Sở VHTT&DL khu vực ĐBSCL cùng các doanh nghiệp du lịch cùng ngồi lại để thảo luận những phương hướng và đi đến ký thỏa thuận liên kết, hợp tác phục hồi ngành du lịch ĐBSCL.
Theo kết quả thống kê báo cáo, năm 2019, vùng ĐBSCL đón trên 47 triệu lượt khách, kế hoạch đón trên 50 triệu lượt khách trong năm 2020. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, do đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, ngành du lịch là một trong các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đơn cử như cụm phía Tây gồm 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau trong năm 2019, tổng lượt khách đạt hơn 33 triệu lượt, chiếm 73% tổng lượt khách du lịch của vùng ĐBSCL; doanh thu đạt hơn 24.000 tỷ đồng.
Nhưng đến hết năm 2021, lượng khách cụm phía Tây chỉ đạt 11.700 lượt, doanh thu giảm sốc chỉ còn dưới 10.000 tỷ đồng. Còn tại cụm phía Đông, 1.400 cơ sở kinh doanh du lịch phải tạm dừng hoạt động; 6.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch bị mất việc hoặc giảm thu nhập.
Để phục hồi nhanh ngành “công nghiệp không khói” tại ĐBSCL trước những thách thức mới, tại hội nghị, các địa phương thống nhất phải đảm bảo tối đa an toàn cho du khách đến trải nghiệm bằng các biện pháp phòng dịch COVID-19 hiệu quả. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức tập huấn phòng dịch. Quan trọng nhất là hoàn thiện, nâng chất các điểm đến bằng những sản phẩm mới sau thời gian dài chuẩn bị để tái hoạt động. Tăng kết nối tour, tuyến và xúc tiến mạnh mẽ hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng giới thiệu các sản phẩm mới đặc sắc, hấp dẫn, sôi động thích ứng theo mùa và sáng tạo hướng tới thị yếu của du khách.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo 13 Sở VHTT&DL vùng ĐBSCL đã ký kết biên bản thoả thuận liên kết, hợp tác phục hồi ngành du lịch với nhiều nội dung như: Thông tin về kế hoạch ngắn hạn, tình hình hoạt động theo từng quý; Thông tin về xu hướng, nhu cầu thị trường sản phẩm du lịch đối với khách du lịch nội địa và quốc tế; Các tỉnh, TP trong vùng sẽ lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc thù để đưa vào liên kết; Liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú, điểm đến của các tour du lịch ở các địa phương trong một tuyến du lịch,…
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhấn mạnh: “Kỳ này sức mạnh nặng hơn, mức độ cam kết cao hơn, nội dung nhiều hơn, quyết tâm cao hơn. Chúng ta phải cùng nhau thực hiện một mặt trận liên minh kích cầu, liêm minh liên kết hợp tác những vùng trọng điểm, ví dụ kết hợp với TP HCM hoặc là miền Đông Nam bộ, Nam Trung bộ… để chúng ta phát triển sản phẩm du lịch trong trạng thái bình thường mới. Và chúng ta cùng đồng lòng 13 tỉnh ký với nhau đến cuối năm 2022 là cùng nhau phục hồi được, đưa du lịch ĐBSCL trở lại giống năm 2019"./.