Ai về Cầu ngói Thanh Toàn
VOV.VN - Ngoài cảnh quan thiên nhiên đẹp, du khách còn được nghe giới thiệu về những sản vật nức tiếng của làng Thanh Toàn như Gạo de An Cựu, cá rô bàu Choàng.
Là một trong những làng quê thuần nông xuất hiện tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa, trải qua bao biến cố lịch sử, làng Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) vẫn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ kính, tôn nghiêm. Đến làng Thanh Toàn, du khách không chỉ được ngắm những cánh đồng lúa xanh mát, cây cầu ngói rêu phong hàng trăm năm tuổi bắc ngang dòng sông Như Ý mà còn được trải nghiệm cuộc sống yên bình qua mô hình du lịch cộng đồng do chính người dân nơi đây xây dựng.
Nhà trưng bày nông cụ tại làng Thanh Toàn (còn gọi là Thanh Thủy Chánh) là một trong những điểm dừng chân của du khách khi đi tham quan Cầu ngói Thanh Toàn. Được xây dựng từ năm 2004 và đưa vào hoạt động năm 2006, nơi đây trưng bày, giới thiệu những vật dụng gắn bó nghề nông của một ngôi làng có lịch sử hơn 500 năm tuổi. Kể từ khi có mô hình du lịch này, 34 hộ dân trong làng đã tham gia và trở thành hướng dẫn viên du lịch. 34 hộ dân cũng được chia thành nhiều tổ như: tổ ẩm thực, tổ du lịch, tổ thuyền, tổ trải nghiệm làm nghề truyền thống.
Cầu ngói Thanh Toàn hàng trăm năm tuổi bắc ngang dòng sông Như Ý. |
Chị Ngô Thị Kim Hồng, Công ty du lịch Thanh Toàn ecotour đã mở chương trình đưa khách về Thanh Toàn hơn 1 năm nay cho biết: "Chúng tôi có dịch vụ đạp xe, nếu khách không đạp xe được thì đi xe máy hoặc xích lô về đây tham quan cầu ngói, tham quan bảo tàng rồi chèo thuyền đánh bắt cá trên sông Như Ý khoảng 1 tiếng, sau đó vào nhà hàng. Còn nếu như thời tiết tốt thì tại nhà hàng cũng có đất trồng rau, ráng, bầu bí, nếu như khách muốn ra làm vườn thì mình sẽ bày cho họ. Dịch vụ ấy khách cũng rất thích".
Ngoài cảnh quan thiên nhiên đẹp, không ít du khách còn biết đến miền quê yên bình nơi đây qua câu hát: "Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em theo với một đoàn cho vui". Về với Cầu ngói Thanh Toàn, du khách còn được nghe giới thiệu về những sản vật nức tiếng như "Gạo de An Cựu, cá rô bàu Choàng" hay bánh canh Nam Phổ. Bà Nguyễn Thị Kiềm một người dân làm du lịch cộng đồng ở đây cho biết: khách du lịch thường nghỉ lại Thanh Toàn một đêm để thưởng thức ẩm thực của làng. Mỗi tháng có hàng trăm khách lưu trú, tổ ẩm thực 10 người có thể nấu các món ăn đặc trưng phục vụ họ.
Bà Nguyễn Thị Kiềm cho biết: "Ở đây chúng tôi dùng cá rô, cá lóc, rồi môn, bí là những sản phẩm của người dân địa phương làm ra. Khách có thể cùng vào bếp để trải nghiệm nấu ăn. Thường ngày khách tour tuyến về nhiều, thu nhập được tương đối là 500.000 đồng/ngày. Các tổ thuyền cũng có thu nhập khá. Các tổ ẩm thực, trải nghiệm làm nón lá, bánh tét... vừa để khách trải nghiệm vừa có thể bán ra sản phẩm thì đó là lợi nhuận mà họ thu được".
Du khách Pháp tìm hiểu về cách dần gạo. |
Được tìm hiểu quy trình sản xuất lúa gạo từ xa xưa ở làng Thanh Toàn, ông Tecnodin Betur một du khách Pháp nói: "Chúng tôi được học hỏi rất nhiều về văn hóa, về nền nông nghiệp của các bạn, về cách mà người dân nơi đây sinh sống. Chúng tôi đến Huế mới lần đầu thôi nhưng chúng tôi rất thích phong cảnh ở đây. Người dân tốt bụng, mến khách và đã cho chúng tôi những trải nghiệm đẹp".
Người dân làng Thanh Toàn bao đời gắn bó với nghề nông. Mỗi năm chỉ hai vụ lúa nên đời sống không có gì dư giả. Lúc nông nhà, bà con làm thêm các nghề phụ như mộc, nề, đánh cá, chằm nón, làm bánh tét hay ra phố làm thuê. Trước đây, người dân Thanh Toàn làm du lịch cộng đồng một cách tự phát nên hiệu quả chưa cao. Từ khi được đầu tư, được tập huấn và hướng dẫn kĩ năng, cung cấp kiến thức chuyên môn thông qua các dự án tài trợ của nước ngoài, bà con làm du lịch cộng đồng một cách linh hoạt và chủ động hơn.
Ông Nguyễn Mậu Hòa, phó Chủ tịch xã Thủy Thanh cho biết: "Với mong muốn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, đảm bảo sự chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi đồng đều hơn, làng Thanh Toàn đã thành lập một hợp tác xã du lịch. Trên cơ sở hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Jica, ILO, UNESCO nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển từ Hội An, họ đề xuất thành lập mô hình hợp tác xã du lịch cộng đồng dựa vào người dân để tạo thành một chuỗi liên hoàn, điều hành tiếp nhận khách linh hoạt, chủ động hơn. Qua hợp tác xã chúng tôi sẽ xây dựng được hình ảnh, thương hiệu và chủ động kết nối với các công ty lữ hành".
Từ khi phát triển mô hình du lịch cộng đồng, các làng nghề truyền thống ở Thanh Toàn cũng khởi sắc hơn. Sản phẩm của của họ không chỉ đóng vai trò bổ trợ mà còn được quảng bá nhiều hơn nhờ khách du lịch. Chính vì thế, hiện nay đã có một số thành viên trong hợp tác xã chuyển sang làm làm du lịch một cách chuyên nghiệp hơn, trực tiếp đón khách và làm dịch vụ, thu nhập từ du lịch cũng tăng lên. Nhờ vậy mà cuộc sống của họ cũng ngày một được cải thiện. Nhưng hơn hết là nhờ du lịch cộng đồng mà hình ảnh quê hương thanh bình, nét đặc sắc về văn hóa, con người của miền đất thần kinh cũng có cơ hội được quảng bá, giới thiệu nhiều hơn với bạn bè trong nước và quốc tế./.