Khảu si, khảu sén - bánh thờ cúng tổ tiên ngày tết của đồng bào Thái trắng
VOV.VN - Trong ngày tết của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai - Sơn La không thể thiếu bánh khảu si, khảu sén để thờ cúng tổ tiên. Loại bánh này có gì đặc biệt?
Bánh khảu si, khảu sén là một loại bánh được làm từ bột gạo nếp và chỉ tết bà con mới làm. Đây cũng là loại bánh không thể thiếu với đồng bào Thái trắng ở Quỳnh Nhai để dâng lên bàn thờ tổ tiên ngày tết, cũng như để làm quà biếu anh em họ hàng thân thích. “Tết đến hầu như nhà nào cũng làm bánh khảu si, khảu sén để cúng tổ tiên, thể hiện sự khéo tay hay làm, lòng hiếu thảo, biết ơn sâu sắc của phận dâu, phận con trong nhà đối với những người đã khuất. Khảu si khảu sén không chỉ để thờ cúng, mà còn được mang ra để tiếp đãi khách quý đến chúc tết, cầu chúc cho nhau sang năm mới mùa màng bội thu để có bánh chưng, khảu si, khảu sén dâng lên tổ tiên” - Ông Điêu Văn Minh, người am hiểu về phong tục tập quán của người Thái trắng, ở xóm 5, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết ý nghĩa của bánh khảu si khảu sén như vậy.
Nguyên liệu để làm khảu si là thóc nếp tan dùng làm cốm xôi, còn nguyên liệu làm khảu sén là gạo nếp tan đã ngâm được xôi chín và phơi khô. Cách chế biến khảu si với khảu sén cũng khác nhau. “ Nguyên liệu để khảu si là thóc nếp tan dùng làm cốm xôi (khảu hang), xôi thóc lên cho chín, bỏ ra phơi thật khô, đem xát thành gạo. Khi nào làm bánh thì vốc gạo vào chảo mỡ đang sôi, hạt gạo sẽ phồng lên, sau đó bỏ ra, đổ mật mía vào đảo đều, ăn rất ngon và giòn. Còn cách làm bánh khảu sén thì đầu tiên ngâm gạo nếp tan, xôi lên bằng chõ xôi cho chín, rồi mang ra giã thật dẻo, nhuyễn như bánh dầy. Sau đó làm thành từng miếng mỏng, đổ đường phên lên miếng bánh cho đều, dùng lá chuối cuốn lại giữ cho mật mía không chảy ra ngoài, phơi khô, khi ăn thì dùng dao, kéo cắt nhỏ ra từng miếng nhỏ bằng 2 ngón tay cho vào chảo mỡ đang sôi sẵn, khi nào miếng bánh phồng lên là bỏ ra ăn được” - Ông Điêu Văn Minh, cho biết.
Để bánh khảu si, khảu sén thêm thơm ngon, bà con thường trồng mía trong vườn nhà để đến mùa thu hoạch, cắt cây mía về ép mật mía, sau đó đun mật mía cho thật đặc sánh để dùng tẩm ướp làm bánh khảu si, khảu sén truyền thống. Miếng bánh khảu Si, khảu sén thường được đổ ra khuôn đĩa hình tròn, hay cắt miếng theo hình chữ nhật, bằng 2 ngón tay, khi rán lên nở phồng nhìn rất bắt mắt. Bánh được đảo với mật mía, khi ăn miếng bánh giòn tan, thơm ngọt đậm đà hương vị của gạo nếp, quyện với mật mía. “ Tôi cũng đã có nhiều dịp đi thăm thân, đi du thuyền lòng hồ Quỳnh Nhai, phong cảnh nơi đây rất đẹp và được ăn một số món ăn đặc sản của người Thái Quỳnh Nhai, trong đó có bánh khảu si, khảu sén. Khảu si, khảu sén nơi này ăn rất ngon, ngọt và giòn. Hầu như dịp tết năm nào lên đây tôi cũng được ăn món khảu si, khảu sén truyền thống của bà con. Không chỉ mình được ăn, bà con còn biếu về làm quà cho gia đình nữa”.- Chị Quàng Thị Liên, ở xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cảm nhận.
Khảu Si, khảu Sén vừa thơm ngon, vừa ý nghĩa là vậy nên giờ đây, dù xã hội phát triển, kẹo bánh được bày bán đủ loại trên thị trường, nhưng bà con người Thái trắng ở Quỳnh Nhai, Sơn La vẫn luôn duy trì, coi bánh khảu si, khảu sén là một loại bánh ngon, mang hương vị ngày tết của dân tộc mình.“ Đến nay, cùng với bánh chưng, bàn chay, hoa chuối rừng, man ca rừng, măng rừng, thì bánh khảu si, khảu sén đều không thể thiếu trong mâm cúng ngày tết. Mặc dù tôi đã có tuổi rồi, nhưng mỗi năm tết đến, gia đình tôi vẫn luôn gói bánh chưng, làm khảu si, khảu sén. Tôi sẽ tiếp tục truyền dạy cho con cháu biết và gìn giữ phong tục tập quán, nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình để không bị mai một”- Bà Vì Thị Chướng, xóm 5, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết.
Đến với vùng đồng bào Thái trắng Quỳnh Nhai-Sơn La, vùng đất thơ mộng bên dòng sông Đà, đừng quên thưởng thức khảu si, khảu sén-món bánh ngon ngày Tết của đồng bào nơi đây./.