Bộ tộc du mục di cư mỗi khi có người chết ở Nepal
Thứ Tư, 13:00, 18/01/2017
Bộ tộc Raute ở Nepal không có nơi ở cố định. Họ thường xuyên di chuyển từ trại này sang trại khác mỗi khi có thành viên trong bộ lạc qua đời để tránh tà ma.
Raute là một trong số ít bộ tộc du mục cuối cùng còn sót lại trên thế giới. Họ sống ẩn sâu trong cánh rừng Himalaya ở Nepal và kiếm thức ăn bằng cách săn bắn, hái lượm. |
Người Raute không có nơi ở cố định. Họ thường xuyên di chuyển từ trại này sang trại khác mỗi khi có thành viên trong bộ lạc qua đời để tránh tà ma. Người chết được chôn trong tư thế thẳng đứng với một lỗ xuyên qua sọ như cách để linh hồn tới được thiên đàng. |
Với sự hỗ trợ của một nhà báo địa phương, nhiếp ảnh gia Đan Mạch Jan Møller Hansen đã dành 3 ngày đi từ thủ đô Kathmandu của Nepal tới một khu rừng hẻo lánh ở huyện Accham để gặp gỡ người dân của bộ lạc. Theo ông, người Raute cũng muốn hoà nhập cùng mọi người, nhưng họ sợ đi học và ở một chỗ cố định. Họ có bản sắc, cách sống riêng biệt, và đó là nguyên nhân khiến người Raute yếu thế trong xã hội Nepal rộng lớn. |
Người Raute tự cho rằng họ có dòng dõi hoàng gia và thuộc đẳng cấp cao. Đây là cách để họ chống lại sự đồng hoá. Bộ lạc này không tích lũy tài sản. Tất cả những gì họ sở hữu là những thứ có thể đặt trên lưng và mang sang một trại khác. |
Khi Jan ghé thăm bộ lạc Raute, chỉ còn 156 người còn sót lại. Nhiều người Raute khác đã phải chuyển đi theo chính sách tái định cư của chính phủ Nepal. Chính vì thế, các thổ dân này rất cảnh giác với người lạ, không cho phép họ ngủ trong trại cũng như tham gia vào các chuyến đi săn. |
Cũng như các bộ lạc khác từ chối tiếp xúc với thế giới bên ngoài, người Raute phải đối mặt với một danh sách hiểm hoạ ngày càng tăng như nạn phá rừng, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học hay lấn chiếm đất đai từ phía chính phủ. |
Trong rất nhiều năm, người Raute phải chịu áp lực lớn để chống lại sự hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hoá của riêng mình. “Chúng ta đang mất dần đi sự đa dạng văn hoá như kết quả của quá trình phát triển”, Jan nói. “Tôi hy vọng chúng ta có thể tôn trọng sự khác biệt, dù nó khác với xã hội văn minh thế nào đi nữa. Đó là thông điệp mà bộ ảnh muốn truyền tới người xem”. |