Đà Nẵng đứng trước lợi thế, động lực mới để phát triển du lịch
VOV.VN - Trong định hướng phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng sẽ gắn với một số ngành kinh tế mới nổi hiện nay, như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, một trong những tiêu chí để xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia là thành phố phải tạo ra không gian sống để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năm nay, lượng khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng mạnh. 9 tháng qua, tổng khách lưu trú tại Đà Nẵng ước đạt 8,67 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 163% cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế hơn 3,17 triệu lượt, tăng 30%, bằng 134% so cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu khách quốc tế có sự dịch chuyển của một số thị trường khách truyền thống sang các thị trường mới. Trong khi lượng khách truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều giảm, một số thị trường mới tăng lên như: Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Australia, Nga... Năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu đạt hơn 10,5 triệu lượt khách lưu trú, tăng 6% so với năm 2024, trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11%.
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động du lịch thành phố Đà Nẵng 9 tháng năm 2024, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng, xu hướng khách hiện nay có sự thay đổi, chủ yếu khách lẻ, đi theo nhóm, gia đình, trải nghiệm cá nhân, cho nên cách tiếp cận dòng khách cũng phải thay đổi. Nghị quyết số 136/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó cho phép Đà Nẵng thành lập khu thương mại tự do. Đây là lợi thế để phát triển du lịch và lối ra mới cho du lịch Đà Nẵng.
Theo ông Cao Trí Dũng, trong định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng phát triển đô thị du lịch gắn với kinh tế biển. Thế nhưng, nhiều năm rồi, Đà Nẵng chưa có tour du lịch nào đúng nghĩa đi biển, đi vịnh.
Ông Cao Trí Dũng đề nghị thành phố tháo gỡ vướng mắc để khai thác tiềm năng du lịch biển: “Hiện nay, du lịch biển của Đà Nẵng có rất nhiều điểm nghẽn. Đà Nẵng đã có tour ra Bãi Nam nhưng lại không cho khách rời tàu xuống nước, không lặn biển để ngắm san hô thì không thể nào bán tour. Vịnh Đà Nẵng rất đẹp nhưng vẫn không khai thác được vì không có điểm dừng, không cho lặn biển, trong khi một số địa phương có vịnh họ khai thác rất tốt. Đây là điều đáng tiếc”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, năm 2025 dự báo là một năm khó khăn do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến du lịch. Để giữ vững thương hiệu du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch tiếp tục làm mới cái cũ, nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt là phải đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho khách du lịch khi đến Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng cần điều chỉnh các thủ tục trong đầu tư các dự án về du lịch, rút ngắn thủ tục cấp phép các hoạt động du lịch, không để doanh nghiệp phải chạy lòng vòng nhiều sở, ngành làm thủ tục, mất thời gian, gây phiền hà.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; và Đà Nẵng sẽ đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động sự kiện lớn, đặc biệt là sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố. Theo đó, ngành du lịch thành phố cần xây dựng các hoạt động gắn với các sự kiện trọng đại này để thu hút khách du lịch. Về lâu dài, đề nghị ngành du lịch sớm tham mưu và Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Đà Nẵng xem xét báo cáo về việc điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với những định hướng trong Kết luận 79 của Bộ Chính trị và định hướng về phát triển du lịch mới của thành phố vừa được Quốc hội thông qua.
Hiện nay, Thủ tướng đã có Kết luận là tới đây, các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng. Đây là lợi thế, động lực mới để phát triển du lịch. Trong định hướng phát triển của ngành du lịch tới đây cần gắn với một số ngành kinh tế mới nổi hiện nay, đặc biệt là 2 ngành thành phố đang tập trung phát triển là vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Một trong những tiêu chí để xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia là tạo ra không gian sống và vui chơi.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định hạ tầng, môi trường và ngành du lịch của Đà Nẵng đang có thế mạnh để tương tác với các ngành mới, tạo ra cực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng: “Giữa du lịch với những ngành mới mà thành phố định hướng phát triển sẽ tương tác với nhau. Nếu du lịch dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư và ngược lại khi các nhà đầu tư vào sẽ thúc đẩy du lịch phát triển. Sự tương tác giữa du lịch, dịch vụ với ngành mà thành phố đang hướng tới sẽ tạo ra một sự thúc đẩy mới, đổi mới được mô hình tăng trưởng. Chứ còn nếu chúng ta cứ làm theo cách truyền thống như hiện nay thì rất khó để có sự tăng trưởng”.