Đà Nẵng: Hướng dẫn viên du lịch vừa thiếu vừa yếu
VOV.VN -Hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng, thị trường khách quốc tế phát triển nóng, nhưng lực lượng hướng dẫn viên du lịch phục vụ du khách còn thiếu và yếu.
Vài năm trở lại đây, Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn của khách quốc tế, đặc biệt là khách Hàn Quốc. Mỗi năm thành phố đón hàng triệu lượt khách quốc tế. Khách tăng nhưng nguồn lực không tăng. Vào mùa cao điểm các công ty đơn vị lữ hành phải thuê thêm hướng dẫn viên nhưng tìm cũng... đỏ con mắt. Số hướng dẫn viên được tuyển dụng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế doanh nghiệp và thị trường.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam- Vitour cho biết, thực tế tại đơn vị, nhiều hướng dẫn viên được tuyển dụng dù được đào tạo bài bản ở các trường đại học, cao đẳng, nhưng công ty vẫn phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ chuyên ngành.
"Hiện nay đa số sinh viên ra trường, học chuyên ngành du lịch nhưng cũng không mấy ai đáp ứng được công việc ngay. Vì phục vụ khách không đơn giản, đòi hỏi phải có kiến thức lẫn kỹ năng và thái độ mà việc này không phải một sớm một chiều chúng ta có thể làm được, phải có kinh nghiệm tích lũy. Thứ hai nữa là tình trạng đào tạo chưa tương thích ứng ngay với xu hướng thị trường mới, vì vậy không thể cho ra đời lớp hướng dẫn viên du lịch đáp ứng được yêu cầu", ông Tùng nói.
Đến nay, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch cho khoảng 3.900 hướng dẫn viên, trong đó có hơn 2.700 hướng dẫn viên quốc tế. Số lượng hướng dẫn viên tiếng Anh đông nhất, tiếp đó là tiếng Trung và Nga.
Theo thống kê, số lượng hướng dẫn viên du lịch của Đà Nẵng hiện đứng thứ 3 cả nước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các hãng lữ hành, kinh doanh du lịch.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, thời lượng lý thuyết chiếm 70% nên sinh viên thiếu hẳn kỹ năng tác nghiệp. Hạn chế lớn nhất của đội ngũ này là thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống; khả năng ngoại ngữ cũng chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu trao đổi trong thực tế.
"Dù học đại học ngoại ngữ ra, nhưng bao nhiêu em dám đứng ra nói chuyện với khách? Kỹ năng giao tiếp với khách không có. Gần như học lý thuyết, học chay là nhiều. Còn để đi hướng dẫn đòi hỏi rất nhiều không chỉ nghiệp vụ hướng dẫn mà còn là kinh nghiệm xử lý tình huống, kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử... để truyền đạt thông tin đến với khách", ông Cường nói.
Những năm gần đây tốc độ phát triển ngành du lịch của thành phố Đà Nẵng tăng nhanh. Năm ngoái thành phố này đón 2,3 triệu khách quốc tế, nhưng chỉ 9 tháng năm nay đã có hơn 2,4 triệu lượt, trong đó chủ yếu là du khách Hàn Quốc. Thế nhưng, Đà Nẵng lại thiếu hướng dẫn viên tiếng Hàn và tiếng Nhật.
Trong buổi làm việc mới đây với Đại học Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa, Bí Thư thành ủy Đà Nẵng cho rằng, thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh về du lịch mà lực lượng hướng dẫn viên chưa phát triển đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, một phần trách nhiệm thuộc về công tác giáo dục đào tạo.
"Trong quá trình đào tạo ra rất nhiều ngành, nhưng ngành cho du lịch hiện nay lại co kéo. Chúng ta đang tăng trưởng nóng về du lịch. Các nhà trường liệu có dự đoán các xu hướng này không? Chúng ta có đến hơn 150 ngành đào tạo, nhưng lĩnh vực du lịch tại sao vẫn cứ thiếu?", ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Thời gian qua, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch tại thành phố Đà Nẵng nỗ lực trong việc tăng cường gắn kết nhằm tạo ra đội ngũ hướng dẫn viên đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy vậy, điều này vẫn chưa thể lấp được “lỗ hổng” lớn về nhân lực du lịch, nếu các cơ sở đào tạo vẫn duy trì phương pháp thiếu thực tế, không chú trọng đến chất lượng đầu ra như hiện nay./.
Đà Nẵng quyết dẹp nạn móc túi, trấn lột khách du lịch
Ảnh: Mãn nhãn ngắm TP.Đà Nẵng với góc nhìn của chim Hải âu