Đặc sắc văn hóa, ẩm thực, du lịch các dân tộc Việt Nam
VOV.VN - Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 diễn ra tại tỉnh Quảng Trị khắc họa bức tranh tổng thể, đa sắc màu văn hóa, ẩm thực, du lịch của đồng bào 54 dân tộc anh em. Đến với Ngày hội, tất cả người dân và du khách đều có những trải nghiệm thú vị, khó quên.
Tại Ngày hội này, không gian trưng bày văn hóa, ẩm thực, du lịch của 16 tỉnh, thành phố trong cả nước luôn rộn ràng thanh âm, rực rỡ sắc màu. Đồng bào các dân tộc từ miền núi cao phía Bắc đến dãy Trường sơn, Tây Nguyên... mang đến Ngày hội nhiều loại ẩm thực, đặc sản truyền thống với hương vị độc đáo.
Chị Hà Thị Hằng, dân tộc Thái, ở tỉnh Sơn La hào hứng giới thiệu với người dân, du khách những đặc sản của 12 dân tộc anh em sống ở vùng cao Tây Bắc: “Mâm cơm của bà con đồng bào dân tộc Thái đặc trưng có xôi ngũ sắc, cơm lam, cá nướng, gà nướng, nộm da trâu, hoa chuối, thịt băm gói lá nướng… Ngoài ra, chúng tôi còn mang một số nông sản của Sơn La tới ngày hội”.
Tại Ngày hội, người dân và du khách tận mắt xem và trải nghiệm chế biến các món ăn truyền thống của các dân tộc thiểu số. Bà Hoàng Thị Yên, ở xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ cách chế biến món bánh ngải truyền thống của người Tày xứ Lạng: “Bánh ngải là đặc sản của xứ Lạng quê em. Bánh ngải được làm từ gạo nếp, lá ngải luộc cho hết nước đắng, nấu xôi chín rồi cho vào giã cùng lá ngãi, chia thành từng bánh nhỏ. Cho nhân vừng rang, giã nhỏ vào trộn với đường sên. Ngày xưa, các cụ thường làm vào ngày mùng 3 Tết Thanh minh dâng lên ông bà, tổ tiên báo công ơn, mừng hương lúa mới của dân tộc”.
Đồng bào các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Cor, Tà Ôi, Xê Đăng,… ở các tỉnh, thành miền Trung thì mang đến ngày hội không gian trưng bày làng nghề, trang phục truyền thống, lễ hội, ẩm thực rất đặc sắc. Chị Hồ Họa My, dân tộc Pa Cô, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho hay: “Tỉnh Quảng Trị có đồng bào Pa Cô, Vân Kiều sinh sống, văn hóa dần mai một. Thông qua lễ hội như thế này tạo nên sự gắn kết, bảo tồn, quảng bá để mọi người biết nhiều hơn về những nét đặc trưng riêng của đồng bào ở đây”.
Ngược lên vùng nắng gió Tây Nguyên, du khách có thể hòa mình với không gian lễ hội, du lịch cộng đồng, trải nghiệm quy trình trồng và chế biến cà phê, trồng hoa, làng nghề truyền thống, khám phá khung cảnh hùng vỹ, không gian văn hóa đặc sắc của bà con Ê Đê, Ba Na, Gia Rai…
Chị H’Riết Ê Bang, dân tộc Ê Đê, ở tỉnh Đăk Lăk chia sẻ: “Khi đến đây, chúng ta được thưởng thức những tiếng chiêng, những nét văn hóa độc đáo, những lễ hội. Những chàng trai, cô gái hòa quyện với tiếng chiêng, say sưa với điệu múa dân gian của đồng bào dân tộc Ê Đê. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng những làng nghề dệt thổ cẩm, đan lát và thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Ê Đê tại tỉnh Đăk Lăk”.
Chị Hoàng Thị Thanh, du khách ở Thanh Hóa tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa, ẩm thực, du lịch các dân tộc cảm nhận: “Qua không gian trưng bày tái Lễ hội văn hóa các dân tộc tại tỉnh Quảng Trị, em được tham quan các gian hàng. Mỗi gian hàng đều thể hiện nét đặc sắc về văn hóa dân tộc của địa phương mình. Qua đó, em hiểu biết thêm nhiều những nét văn hóa của các dân tộc ở đất nước Việt Nam”.
Vượt đường xa hàng trăm cây số, gần 500 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đem đến Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024 những giá trị văn hóa đặc sắc. Từ ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng truyền thống khá đa dạng, phong phú đã tạo nên bức tranh văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024: “Thời điểm cuối năm, tất cả các tỉnh, các địa phương đều rất bận rộn nhưng tôi thấy các địa phương rất quan tâm đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch để mang về đây những sản phẩm đặc trưng nhất. Rất nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số mang tính riêng biệt của địa phương. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của các địa phương rất lớn”.