Đắk Lắk đưa di tích Đồn điền Rossi thành điểm đến du lịch
VOV.VN - Di tích lịch sử Đồn điền Rossi ở thị xã Buôn Hồ là một địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống cách mạng của tỉnh Đắk Lắk. Hiện chính quyền địa phương đang tìm giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích để phát triển du lịch.
Di tích Đồn điền Rossi (đường Trần Hưng Đạo, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) là một trong số các đồn điền trồng cà phê và cao su do người Pháp thành lập ở Đắk Lắk vào năm 1926. Đây là nơi ghi dấu ấn về phong trào đấu tranh cách mạng ở Tây Nguyên trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ, tại Đồn điền Rossi đã phát triển 1 tổ Đảng, một chi đoàn thanh niên và cơ sở du kích với 16 công nhân tham gia. Công nhân và chủ Đồn điền Rossi đã hỗ trợ cung cấp, tiếp tế lương thực, vũ khí cho cách mạng; giúp Ban Kinh Tài của tỉnh Đắk Lắk đổi mua hàng trăm tấn hàng hóa để vận chuyển ra vùng căn cứ của tỉnh.
Từ năm 2018, Đồn điền Rossi đã được UBND tỉnh Đắk Lắk xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện tại đây còn tồn tại công trình nhà ở và làm việc của chủ đồn điền, giếng nước, nhà bếp, kho đá, đài nước vẫn giữ nguyên kết cấu kiến trúc ban đầu.
Để tôn tạo, phát huy giá trị di tích Đồn điền Rossi phục vụ du lịch, TS Lương Thanh Sơn, nguyên giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho rằng, cần có cái nhìn tổng thể đối với di tích này: “Chúng ta chỉ quan tâm đến nhà của ông chủ đồn điền mà chưa quan tâm đến các nhà dài của người công nhân Ê đê ở đấy. Cả khu vực xung quanh là những người công nhân đã từng phải chịu nắng chịu mưa để làm ra những hạt cà phê ở đồn điền này. Cạnh đồn điền Rossi có buôn nào, còn bao nhiêu nhà dài, đó là một phần của đồn điền, chứ đừng chỉ nghĩ khoanh mỗi đồn điền đấy, tại sao không kết nối vào đấy để đưa khách du lịch đến?”.
Hiện chính quyền địa phương đang tìm giải pháp để trùng tu, tôn tạo di tích Đồn điền Rossi đồng thời với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch… Ông Y Cing Mlô - Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ cho biết: "Sau khi trùng tu tôn tạo xong thì thị xã sẽ tổ chức vận động hiến tặng các tư liệu hiện vật để trưng bày, phục dựng lại, xây dựng mạng lưới du lịch kết hợp với các điểm du lịch khác. Đề xuất với tỉnh Đắk Lắk đưa di tích này là một trong những điểm đến của du khách. Chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo quán triệt các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục sẽ lựa chọn điểm đến này là một trong những 'địa chỉ đỏ' tổ chức các hoạt động ngoại khóa, qua đó giáo dục lịch sử truyền thống, phát huy thêm giá trị lịch sử của di tích”.