Đắk Lắk phát triển các sản phẩm mới để khôi phục và kích cầu du lịch
VOV.VN - Sau thời gian dài phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện các doanh nghiệp du lịch ở Đắk Lắk đã mở cửa để từng bước khôi phục hoạt động. Cùng với tu bổ, nâng cấp các sản phẩm hiện có, nhiều đơn vị đang tìm hướng phát triển thêm các sản phẩm mới nhằm kích cầu du lịch.
Sau gần 8 tháng phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, khu du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã mở cửa trở lại phục vụ du khách. Trước đó dù ngừng đón khách suốt 8 tháng, doanh nghiệp này vẫn trả lương cho nhân viên làm nhiệm vụ chăm sóc hoa và cây cảnh, bảo vệ tài sản, bảo dưỡng và nâng cấp các homestay. Từ khi mở cửa đón khách trở lại, cùng với các hoạt động có sẵn, đơn vị tiếp tục triển khai một số sản phẩm mới, triển khai các gói du lịch trải nghiệm và phục vụ theo nhu cầu du khách; đồng thời thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - đại diện khu du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam cho biết: "Ko Tam thì có nhiều trải nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, cà phê, nuôi cá, bơi lội; nói chung là nhiều sản phẩm để trải nghiệm. Để trải nghiệm văn hóa, năm nay chúng tôi chủ trương không uống rượu cần, chỉ đánh cồng chiêng và múa xoang từng nhóm, không tập trung. Chúng tôi cũng có các trải nghiệm tùy theo yêu cầu của khách hàng, nếu như khách đặt trước".
Cũng hướng tới các sản phẩm mới để thu hút du khách, Công ty TNHH Đầu tư Du lịch và Thương mại Đam San ở thành phố Buôn Ma Thuột lại chọn các mô hình du lịch xanh để phát triển. Ông Lê Hoàng Cơ - Tổng Giám đốc công ty cho biết từ những điều kiện tự nhiên và yếu tố khác biệt về địa hình, thổ nhưỡng, đơn vị đang xây dựng và hướng đến du lịch canh nông, du lịch nghỉ dưỡng với không khí thoáng đãng, vừa trải nghiệm vừa chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, công ty phối hợp với các đơn vị của tỉnh Đắk Nông, Khánh Hòa để liên kết các tour du lịch khép kín như khám phá cánh đồng lúa, tắm bùn, nghỉ dưỡng.
Ông Lê Hoàng Cơ nói: "Doanh nghiệp đang hướng vào du lịch phát triển xanh, đặc biệt là phát triển du lịch canh nông và định hướng cho khách đến đây là khách nghỉ dưỡng. Hiện nay tài nguyên rất nhiều, ví dụ các trang trại ở đây rất nhiều và thời điểm này rất thuận lợi trong mùa xây dựng và xúc tiến sản phẩm cà phê. Mình đưa khách đến những trang trại cà phê, tìm hiểu sâu hơn về cà phê và cũng là nơi có không khí thoáng đãng, thoải mái. Công ty Đam San đang kết nối từ Đắk Nông, hướng đến Buôn Chóa, huyện Krông Nô là vùng lúa trên vùng nham thạch bazan. Đây là địa điểm có sự khác biệt so với vùng đồng bằng và nhiều vùng khác".
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã có khoảng 144.000 lượt khách đến Đắk Lắk tham quan, vui chơi và trải nghiệm tại hầu hết 21 khu/điểm du lịch, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, đây là tín hiệu đáng mừng bởi hơn 2 năm qua, ngành du lịch đã phải chịu nhiều tác động khiến doanh thu và hoạt động gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo bà Hiếu, hiện tại, ngành du lịch đang dần có những bước phục hồi, vừa tăng cường kết nối, hợp tác với các địa phương liên kết phát triển du lịch, đồng thời tự làm mới các sản phẩm du lịch của địa phương để thu hút du khách. Song song với việc kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các đơn vị du lịch, ngành du lịch đang nỗ lực kết nối, chào bán các sản phẩm du lịch đặc sắc được xây dựng từ chính những thế mạnh của địa phương.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu nói: "Tổ chức khảo sát, xây dựng những sản phẩm du lịch mới, vòng cung ở bốn huyện mà tới cả vùng biên giới cho các doanh nghiệp. Trong thời gian này sẽ sẵn sàng cùng với các địa phương xây dựng những sản phẩm du lịch mới. Mới đây, chúng tôi có khảo sát xây dựng sản phẩm tại thành phố Buôn Ma Thuột liên quan tới sản phẩm cà phê, nông nghiệp và cộng đồng. Tùy thế mạnh của từng địa phương, trong thời điểm dịch thì tùy cấp độ dịch sẽ tổ chức để các doanh nghiệp sẵn sàng có những sản phẩm mới, cũng như làm mới sản phẩm tại doanh nghiệp".
Sau thời gian khảo sát và xây dựng, một số sản phẩm như tour “Caravan - Tây Nguyên huyền thoại”, chương trình ca kịch “Khát vọng Đam San”, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thể thao quy mô toàn quốc được tổ chức tại Đắk Lắk được kỳ vọng sẽ là một trong những điểm nhấn, tạo cú hích để khôi phục và phát triển du lịch địa phương. Đặc biệt, với việc mở cửa du lịch quốc tế đang được triển khai hiện nay, Đắk Lắk kỳ vọng hoạt động du lịch sẽ dần phục hồi và có thể khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế sẵn có, hướng tới mục tiêu đón hơn 900.000 lượt khách đến Đắk Lắk trong năm nay./.