Di tích lịch sử Lam Kinh dấu ấn xưa

Khu di tích lịch sử Lam Kinh sẽ trở thành công trình tiêu biểu về phục dựng bảo tồn.  

Trong số các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn ở Thanh Hóa như Thành nhà Hồ mới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới thì di tích lịch sử Lam Kinh (xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1962) cũng cho chúng ta thấy một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc của gần 600 năm về trước.

Ngược dòng lịch sử…

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây, nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Theo tài liệu lịch sử ghi lại thì Lam Kinh là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công do người anh hùng dân tộc Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở thế kỷ XV. Sau 10 năm (1418 – 1427) cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành toàn thắng, nhà Lê Sơ được thiết lập, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Với hào khí chiến thắng, với tinh thần tự hào dân tộc mạnh mẽ, Lê Thái Tổ và các vua nhà Lê đã nhanh chóng xây dựng đất Lam Sơn trở thành Lam Kinh, gồm khu Miếu Điện để thờ tổ tiên Lê Lợi và thờ chính bản thân ông, cùng các Vua và Hoàng thái hậu sau khi mất được đưa về Lam Kinh an táng xây lăng mộ.

Vị trí sau này của khu Chính điện và đằng sau là một số tòa miếu đã hoàn thành.

Trải qua thời gian lịch sử, những kiến trúc của Khu di tích Lam Kinh không còn lại bao nhiêu, phần lớn đã bị hủy hoại, nhất là sau khi triều Nguyễn chuyển một phần thờ cúng từ Lam Kinh về Thái miếu Bố Vệ - thành phố Thanh Hóa năm 1805.

Bảo tồn, tôn tạo di tích?

Ngày 22/10/1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án tổng thể về tu bổ, phục hồi, tôn tạo khu di tích lịch sử này và hoàn thành vào năm 2008. Theo đó, giai đoạn một của dự án do Bộ Văn hóa – thông tin (nay là Bộ VHTTDL) làm chủ đầu tư với số vốn 15,5 tỷ đồng và đã phục dựng các nhà bia, tu bổ 5 khu lăng mộ, trùng tu mở rộng đền thờ Lê Lợi và đền thờ Lê Lai, xây cầu trên sông Ngọc…

Để có cơ sở khoa học cho việc thực hiện tiếp tục giai đoạn 2 của dự án (từ 2001 đến nay) nhưng lần này do tỉnh làm chủ đầu tư với tổng dự toán phê duyệt trên 318 tỷ đồng.

Ông Trịnh Đình Dương - Trưởng ban quản lý Khu DTLS Lam Kinh cho biết: Kết quả khảo cổ cho thấy các kiến trúc ở Lam Kinh đã trải qua nhiều lần tu bổ xây dựng lại và hầu như đổ vỡ, tan nát. Các nhà khảo cổ đã cung cấp nhiều tư liệu quý về di tích các kiến trúc cùng các chân cột đá, trụ móng chân cột và một khối lượng phong phú các chủng loại ngói, các mẫu hoa văn, các tác phẩm nghệ thuật bằng đất nung, các hiện vật gốm sứ…

Trang trí ở đầu đao Thái Miếu được các nhà sử học đánh giá gần như nguyên bản.

Trước tình trạng di tích bị tàn phế nặng nề như vậy thì nên bảo tồn và tôn tạo như thế nào? Đó là câu hỏi lớn đặt ra với nhiều quan niệm khác nhau như vấn đề bảo tồn nguyên gốc dù dưới dạng phế tích, kể cả di tích còn bảo tồn trên mặt đất và di tích trong lòng đất do khảo cổ phát lộ…

GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam trong lần đến đây cũng cho rằng: Vấn đề cơ bản cần xem xét ở đây là xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa xây dựng mới với việc bảo tồn nguyên gốc, nguyên trạng một số di tích tiêu biểu còn lại, dù là phế tích của Lam Kinh xưa. Các di vật cần được nghiên cứu không chỉ để tái tạo một số vật liệu kiến trúc trang trí trong xây dựng mới mà còn phải được lưu giữ trong nhà trưng bày…

Hiện nay Thanh Hóa đang xây dựng Quy hoạch phân khu Khu du lịch Lam Kinh và tiếp tục triển khai một số hạng mục công trình. Đặc biệt công trình “Bảo tồn và phỏng dựng Chính điện khu di tích lịch sử Lam Kinh” gồm 3 tòa điện (Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh) đã được khởi công vào tháng 9/2010. Theo quan sát của chúng tôi, một số hạng mục trong quần thể di tích được phục dựng khá công phu với những đan xen lắp nối giữa di vật và phục chế. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành và phục hồi được diện mạo xưa – riêng công trình Chính điện Lam Kinh đang bắt đầu tiến hành gia công gỗ lim với hơn 1000m3. Theo sơ đồ phác thảo sau khi hoàn thành việc phục dựng ở đây sẽ có 2 khu vực với diện tích rất lớn là Chính điện (hình chữ I) và 9 tòa miếu ở phía sau./.

Những hình ảnh về Lam Kinh

 

Cây cầu được xây dựng trên sông Ngọc.

Giếng cổ có từ thời tằng tổ của Lê Lợi là cụ Lê Hối phục vụ cho sinh hoạt gia đình và gia nô.

Trên nền trời xanh ngắt cổng vào khu di tích Lam Kinh cổ kính bên cây đa già hàng trăm tuổi.

Đôi rồng chầu ở sân rồng – đoạn màu trắng sáng được phục chế lại.

Chân cột còn sót lại sau khi khảo cổ khu Chính điện

Tượng voi chầu trước lăng mộ của Lê Lợi.

Đường cổ

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên