Doanh nghiệp lữ hành Inbound: Co cụm và cắt giảm nhân sự
VOV.VN -Du lịch Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề, chắc chắn không đạt chỉ tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020 như mục tiêu đặt ra.
Ngành du lịch Việt Nam là một trong những ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử do dịch Covid-19. Dự báo, trong tháng 5, ngành kinh tế xanh vẫn “đóng băng” chưa có dấu hiệu hồi phục.
Đại dịch Covid-19 xảy ra vào đúng mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và mùa du lịch lễ hội, tâm linh của khách nội địa. Du lịch Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề, chắc chắn không đạt chỉ tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020 như mục tiêu đặt ra.
Công ty Inbound loay hoay với thị trường nội địa
Đầu tháng 5, các công ty du lịch bắt đầu rục rịch, đưa ra các sản phẩm kích cầu nội địa. Các chương trình du lịch đều nhấn mạnh “Người Việt đi du lịch Việt”. Để kích cầu, các công ty đưa ra các gói combo du lịch trọn gói với mức giá thấp nhất có thể như Công ty cổ phần du thuyền Big Bay Việt Nam chào bán sản phẩm du thuyền 5 sao Mon Chéri trải nghiệm 2 ngày 1 đêm với hành trình khám phá Vịnh Hạ Long, Vịnh Lan Hạ. Những chùm tour kích cầu du lịch như Hà Nội-Quy Nhơn; Hà Nội-Phú Quốc; Hà Nội-Đà Lạt; Hà Nội- Nha Trang…đều đưa ra với giá rẻ giật mình.
Du thuyền 5 sao Mon Chéri trải nghiệm 2 ngày 1 đêm với hành trình khám phá Vịnh Hạ Long, Vịnh Lan Hạ. |
Nhưng với các công ty chuyên khách Inbound thì mọi thứ gần như đứng im. Bà Từ Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc công ty Asialand Travel, cho biết khách của công ty đến từ thị trường châu Âu, châu Á. Dịch Covid-19 khiến công ty gần như bất động. Thời điểm hiện tại chưa biết dịch bệnh trên thế giới khi nào mới kiểm soát được nên cũng chưa lúc nào khách mới quay trở lại. Dù dịch được kiểm soát thì cũng còn tiếp tục bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế thế giới nên khả năng hồi phục về lượng khách quốc tế chăc sẽ còn lâu dài. Trước những khó khăn đó, công ty cố gắng cắt giảm nhiều khâu nhưng chi phí hàng tháng còn lại vẫn chiếm một khoản tương đối. Hiện công ty không có doanh thu và nếu chịu chi phí một thời gian dài sẽ khiến công ty mất hết vốn kinh doanh quay vòng trong tương lai. Bà Mỹ Hạnh lo lắng, thời giam cầm cự của công ty chưa biết đến được khi nào.
Bà Từ Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc công ty Asialand Travel, |
Những công ty Inbound như của mình thường không có khách nội địa nhiều nên cũng khó khăn trong việc xoay xở. Vì vậy thời điểm này để duy trì sự tồn tại, từ lãnh đạo cho tới nhân viên đều phải gồng mình và cùng nhau đoàn kết để vượt qua giai đoạn khủng khoảng này. Công ty nhận bán tour ghép, bán voucher cho khách lẻ nội địa để nhân viên có việc và công ty có thêm doanh thu. Bà Hạnh cũng hy vọng khó khăn kéo dài từ 3-6 tháng thì có thể chưa ảnh hưởng mấy đến thị trường khách truyền thống. Nhưng kéo dài hơn nữa thì việc ảnh hưởng có thể sẽ xảy ra vì lúc ấy các công ty sự cạnh tranh cao, sẽ có thể có các đơn vị sẵn sàng làm lỗ để cạnh tranh lấy khách, hoặc có thể công ty đối tác cũng bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế mà khó khăn trong việc hoạt động.
Ông Dương Xuân Tráng – Giám đốc Công Ty Du Lich Mai Việt (Inbound Chuyên về thị trường Pháp) dự đoán nếu dịch bệnh còn kéo dài ở châu Âu thì châu Âu sẽ suy thoái kinh tế vậy việc khách quay trở lại đi du lịch Việt Nam là sẽ lâu. Mà khi không có khách để doanh nghiệp sống sót cho đến khi Covid-19 qua đi là điều vô cùng khó. Công ty giờ đang ở trạng thái đúng nghĩa “Co cụm và cắt giảm nhân sự”. Khả năng công ty sẽ dừng hoạt động cho đến khi có khách quay trở lại. Vì khi không có doanh thu thì sẽ vô cùng khó duy trì hoạt động và để vay tiền ngân hàng với lãi xuất 0% để trả lương nhân viên hay chi trả các khoản khác để sống sót là điều không thể.
Sapa, Lào Cai đang là điểm đến được các công ty du lịch quảng bá mạnh. |
Theo ông Dương Xuân Tráng nếu Covid-19 có qua đi mà không có hỗ trợ của nhà nước, của Chính Phủ để làm quảng bá hay xúc tiến lại thì cũng khó có khách quay trở lại ngay được. Nên thiết nghĩ sau khi hết dịch Covid-19 phải có sự liên kết cực mạnh và chặt chẽ giữa các đơn vị lữ hành, hàng không, khách sạn, vận chuyển và các đơn vị cung ứng dịch vụ khác để giảm giá tour nhằm thu hút khách vào lại Việt Nam.
Doanh nghiệp Inbound muốn phục hồi không dễ
Chính phủ cũng khó khăn khi ngân sách bị ảnh hưởng lớn và có rất nhiều khoản phải chi để an sinh xã hội, doanh nghiệp du lịch rất hiểu nên chỉ mong được dãn hoãn hay miễn thuế và bảo hiểm xã hội cho đến khi doanh nghiêp hồi phục trở lại. Còn nếu không có những hỗ trợ đó thì những doanh nghiệp nhỏ e là khó có thể phục hồi và trở lại đường đua như trước.
Dịch bệnh chuyển sang những thị trường trọng yếu như châu Âu, Mỹ, gần hơn là các nước Đông Nam Á. Mà Inbound điều cốt lõi là mở cửa đất nước, phải có visa và các chuyến bay quốc tế. Mà giờ đây tất cả những thứ đó đang mù mịt, bản thân tình hình dịch Covid-19 diễn biễn vẫn rất phức tạp và không tiên đoán trước được. Trước tình hình đó những doanh nghiệp làm Inbound thấy khó khăn, không biết bắt đầu như nào, phục hồi ra làm cũng sao, chiều hướng sẽ đi như nào.
Ông Đỗ Tiến, Giám đốc công ty Typic Travel, |
Theo ông Đỗ Tiến, Giám đốc công ty Typic Travel, thời điểm này công ty hoạt động cầm chừng, dành thời gian xây dựng lại chiến thuật, xây dựng lại cơ sở dữ liệu, mối quan hệ. Thời điểm này để tồn tại và phát triển thực sự là bài toán rất nan giải không biết phải lam thế nào để có thể phục hồi được. Điều này vượt khỏi tầm bài toán về kinh doanh, chiến lược phát triển của các công ty du lịch.
Ông Đỗ Tiến lo lắng trong vòng 1 đến 2 tháng nữa không biết công ty sẽ như thế nào nếu mà tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến như hiện nay. “Ngành du lịch chưa bao giờ nghĩ đến viễn cảnh khó như thời điểm hiện tại. Những người đã trải qua thời kỳ dịch Sars, khủng hoảng kinh tế 2008, đều nhìn thấy và biết có thể kiểm soát, tránh được. Còn dịch bệnh Covid-19 thì không ai nghĩ đến hậu quả nặng nề như vậy. Với doanh nghiệp của tôi đang khó khăn và có mong muốn hỗ trợ về chính sách”, ông Đỗ Tiến chia sẻ.
Sự hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp lúc này là vấn đề nợ nóng bảo hiểm cho nhân viên hoặc giảm thuế, cho nợ trong một thời gian không bị phạt, hay không tính lãi ngân hàng… Đó là những điều mà doanh nghiệp rất cần hiện nay.
Không biết khi nào công ty Typic Travel mới quay trở lại bình thường để đón những đoàn khách nước ngoài như này. |
Doanh nghiệp cũng mong muốn có cơ hội hết dịch là có thể phục hồi được. Tuy nhiên trong lúc này tất cả các doanh nghiệp đều khó khăn. Cái khó là nếu cho nhân viên nghỉ hết thì sau này ai sẽ là người làm khi dịch đi qua nhưng nếu giữ thì doanh nghiệp cũng không đủ sức để duy trì. Đó còn là câu chuyện về vấn đề an sinh xã hội theo bài toán của Chính phủ. Nếu cho nhân viên nghỉ ngay sẽ tạo ảnh hưởng nhất định trong việc cung cầu của thị trường lao động sau dịch có thể bứt phá trong thời gian ngắn./.
Ông Phạm Tiến Dũng Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội/ CEO Cty Du lịch GoldenTour |
Ông Phạm Tiến Dũng Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội/ CEO Cty Du lịch GoldenTour
Có thể nói rằng chuyển đổi kinh doanh là yêu cầu của nhiều ngành nghề trong đó có du lịch. Ngay từ khi WHO tuyên bố đại dịch các công ty du lịch (CTDL) đã xác định thị trường du lịch inbound và outbound chắc chắn sẽ ảm đảm, dự kiến không có khách đến hết 2020. Các CTDL cũng đã xác định thị trường nội địa có thể khởi động sớm nhất. Ngay khi thị trường có tín hiệu khởi động sau khi Chính phủ tuyên bố cơ bản kiềm chế dịch bênh, các CTDL, khách sạn, khu du lịch đã nhanh chóng chuyển đổi sang thị trường du lịch nội địa kể cả các CTDL trước kia chỉ làm inbound và outbound.
Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội và các nhóm liên minh hiện cũng nhanh chóng kết nối các CTDL, khách sạn, đội tàu du lịch, xe… kể cả các CTDL inbound/ outbound để chuẩn bị các sản phẩm du lịch kích cầu dựa trên thế mạnh của các đơn vị, định hướng các đơn vị du lịch inbound có thế mạnh quan hệ với các khách sạn, đội tàu cao cấp phục vụ khách nước ngoài để có sản phẩm tốt phục vụ thị trường khách du lịch Việt Nam và ngược lại các CTDL nội địa có thể cung cấp sản phẩm tốt tại các tuyến điểm cho khách nội địa như Sầm Sơn, Cửa Lò, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quy Nhơn…; trong tháng 5 sẽ tổ chức một số FAM trip dành cho chung cho các công ty du lịch khảo sát tuyến điểm nội địa để kích cầu du lịch hè 2020.