"Du khách quốc tế muốn đến Việt Nam nhưng ngần ngại về visa nên họ qua nước khác"
VOV.VN - Nhiều chính sách visa cho du khách quốc tế đến Việt Nam đã khôi phục như năm 2019, tuy nhiên điều đó là chưa đủ. Thực tế thị trường du lịch ở năm 2023 đã rất khác cả về đối thủ cạnh tranh và "miếng bánh" dành cho Việt Nam.
Khó hút khách nếu chính sách visa tụt hậu
"Vì sao Thái Lan lại thu hút đông khách quốc tế đến thế? Phải chăng Bangkok quá hấp dẫn khiến họ quay lại nhiều lần? Hay vì Thái Lan nhiều điểm đẹp hơn Việt Nam?" - ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group đặt câu hỏi, trước khi phân tích về đối thủ hàng đầu của Việt Nam hiện nay trong việc lôi kéo khách quốc tế.
Theo ông Phạm Hà, điều Thái Lan vượt trên Việt Nam không phải ở Bangkok hay nhiều điểm đẹp, mà là chính sách visa thông thoáng, sự nhạy bén và luôn lấy khách hàng làm trung tâm để phát triển du lịch. Việt Nam cũng nên có chính sách visa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, như kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày, đẩy mạnh cấp visa tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế, mở rộng thêm quốc gia được miễn visa.
Là một đơn vị chuyên đón khách Pháp, bà Thái Thị Thanh Lan (Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Đông Dương - VietIndo Travel) nêu thực trạng: "Khách vẫn ngại về vấn đề visa, làm E-visa dù tiện lợi hơn nhưng vẫn là một thủ tục rườm rà nên người ta ngần ngại. Đối tượng khách nhiều tuổi khó có thể tự làm visa mà vẫn phải liên lạc với đại lý hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại các nước. Thủ tục vẫn phải chờ đợi, nhiều trường hợp kết quả chậm hơn thời hạn và đó cũng là rào cản. Bất cập nữa là các đoàn khách đi dài hơn 15 ngày sẽ ngày càng ít hơn, vì họ cố gắng đi trong khoảng được miễn visa".
"Khách Tây Âu thường đi du lịch từ 2-3 tuần, kết hợp nhiều nước lân cận. Việt Nam chỉ miễn visa cho một số nước Tây Âu trong 15 ngày, như vậy là bắt khách phải cắt ngắn hành trình, bắt họ giảm chi tiêu, lưu trú ở Việt Nam. Hoặc khách đang ở Đông Nam Á muốn sang Việt Nam chơi nhưng ngần ngại về visa, nên họ chuyển sang nước khác để giảm bớt thủ tục. Chúng ta hay nói đã khôi phục chính sách visa về thời điểm trước dịch, nhưng như thế là lạc hậu. Sự thật năm 2023 thị trường du lịch khác rất nhiều so với năm 2019, cạnh tranh khủng khiếp hơn nhiều và hành vi du khách đã thay đổi" – ông Phạm Hà phân tích.
Thực tế khốc liệt
PGS.TS Phạm Trương Hoàng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cũng khẳng định sự khốc liệt trong cạnh tranh thu hút khách quốc tế tại châu Á hiện nay. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến châu Á - Thái Bình Dương phục hồi chậm nhất thế giới, chỉ ở mức 23% so với năm 2019. Như vậy miếng bánh thị trường đã bé hơn nhiều, Việt Nam và các nước khác chỉ còn "chia nhau" một phần nhỏ. Đơn cử Thái Lan đủ sức đón 40 triệu khách quốc tế năm 2019 thì năm 2022 chỉ phục vụ 28% năng lực, với hơn 11 triệu khách. Như vậy là hạ tầng du lịch dư thừa còn rất lớn.
Trong bối cảnh các nước "tranh giành" thị trường, PGS.TS Phạm Trương Hoàng nhận định: "Cuộc cạnh tranh rất cam go nên Thái Lan cho thấy họ thực sự nhạy bén. Ví dụ khi có tín hiệu mở cửa từ thị trường Trung Quốc, họ điều chỉnh chính sách rất nhanh để thu hút, có vướng mắc được dỡ bỏ chỉ trong 24 giờ. Các nước đều linh hoạt để tiến lên, chúng ta chậm là mất cơ hội. Trước khi có chiến thuật hiệu quả hơn đối thủ thì ít nhất phải bằng họ đã".
"Sự im ắng của du lịch Việt Nam thời gian qua cho thấy các công cụ truyền thống đã giảm tác dụng. Giảm giá chỉ là giải pháp ngắn hạn vì sản phẩm không giảm mãi được. Còn xúc tiến, quảng bá không phải là công cụ mạnh trong ngắn hạn, nếu áp dụng trong điều kiện thị trường đang bị thu hẹp hiệu quả càng hạn chế. Vì vậy phải có công cụ và giải pháp mới, cần những cú hích mạnh hơn. Công cụ visa phải thực sự được xem xét thật nhanh. Trong khi chúng ta ngồi đây thì ngành du lịch các nước đang cạnh tranh quyết liệt" - PGS.TS Phạm Trương Hoàng phân tích.
Năm 2023, châu Âu và Trung Quốc là những thị trường nguồn được kỳ vọng lớn. Một công bố gần đây của HSBC nhấn mạnh vào công cụ visa trong việc đón khách Trung Quốc trở lại: "Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, chúng tôi tin rằng tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc đạt 50 - 80% so với mức trước đại dịch là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam".
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong năm 2023, sự trở lại của thị trường Trung Quốc sẽ mang đến cơ hội lớn cho các điểm đến Đông Nam Á. Tuy nhiên việc khách Trung Quốc chọn điểm đến nào sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: sự sẵn sàng và giá vé máy bay, chính sách visa và quy định Covid-19.
"UNWTO đã chỉ rõ cách thức thu hút khách Trung Quốc. Để thu hút khách từ châu Âu thì cơ bản cũng là như vậy. Việc xin thị thực dù có thể kinh phí nhỏ nhưng vẫn là khách phải trả, thủ tục họ chịu và thời gian họ mất. Chúng ta phải đứng ở góc độ du khách để đánh giá" - PGS.TS Phạm Trương Hoàng nói.
Chọn đòn bẩy hay chọn rào cản?
Đánh giá của PGS.TS Phạm Trương Hoàng hay doanh nhân Phạm Hà cũng tương tự những kiến nghị của Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong Sách Trắng 2023. Theo đó EuroCham nhận định, chính sách thị thực nhập cảnh là một trong những đòn bẩy có tác động lớn nhất đến dòng khách du lịch quốc tế. Sau đại dịch, nhiều quốc gia đang nghiên cứu phương án mở rộng phạm vi miễn thị thực. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và gia tăng dòng khách du lịch quốc tế, từ đó tăng thu ngoại tệ và tạo thêm nhiều việc làm.
"Khi so sánh với các quốc gia ASEAN khác, Việt Nam hiện đang ít hơn về số quốc gia được miễn thị thực khi mới chỉ thực hiện miễn cho 25 quốc gia. Hơn nữa, thời gian miễn thị thực phổ biến nhất của Việt Nam (15 ngày) cũng ngắn hơn nhiều so với thời hạn được cấp cho khách du lịch ở các nước khác trong ASEAN (thường là 30 ngày trở lên). Điều này không chỉ gây hạn chế về thời gian cho du khách mà còn gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc thiết kế kế hoạch du lịch" – báo cáo nêu.
Theo EuroCham, chính sách hiện tại của Việt Nam yêu cầu phải có thị thực trước khi khởi hành/thị thực nhập cảnh/thị thực điện tử là nghiêm ngặt, cùng với thời gian và chi phí phát sinh từ thủ tục này, đang cản trở khách du lịch tự túc từ châu Âu, vốn là tệp khách hàng chi tiêu cao. Danh sách các quốc gia được miễn thị thực cần được mở rộng hơn nữa để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và hoàn thành vai trò là một ngành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam.
Tóm lại về chính sách thị thực nhập cảnh & thủ tục hành chính, EuroCham đưa ra 4 khuyến nghị cho Việt Nam gồm: Mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và kéo dài thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Kéo dài thời hạn chương trình miễn thị thực được công bố với thời hạn chương trình miễn thị thực mới trong 5 năm. Cấp thị thực du lịch 3 tháng cho những du khách châu Âu muốn thực hiện các kỳ nghỉ dài ngày để thu hút thị trường cao cấp với mức chi tiêu cao. Miễn thị thực lưu trú ngắn hạn trong một số tình huống nhất định, đặc biệt là để hỗ trợ các diễn đàn, triển lãm và sự kiện thể thao./.