Du lịch Bình Định hướng tới dịch vụ kinh tế đêm
VOV.VN - Ngành Du lịch tỉnh Bình Định đã và đang nỗ lực thu hút du khách bằng việc tổ chức nhiều sự kiện du lịch cộng đồng, nâng chất lượng phục vụ tại các cơ sở lưu trú. Lượng khách đến Bình Định ngày càng tăng, tuy nhiên, hiện các dịch vụ kinh tế đêm ở tỉnh này còn ít, chưa níu chân được du khách.
Phố ẩm thực Quy Nhơn trên đường Ngô Văn Sở, nối giữa 2 đường ven biển Nguyễn Huệ và Xuân Diệu nằm trong khu trung tâm thành phố Quy Nhơn. Phố ẩm thực này hình thành từ lâu, là điểm du khách không thể bỏ qua khi đi du lịch Quy Nhơn. Từ 14 giờ hàng ngày cho đến khi hết khách dạo đêm, những hộ buôn bán ở phố ẩm thực Quy Nhơn mở bán các loại món ăn như nem nướng, mực nướng, bánh xèo, bánh căn bún cá…
Bà Lê Thị Lan, 43 tuổi, kinh doanh ở phố ẩm thực Quy Nhơn lo lắng khi lượng khách tham quan gần đây giảm do có quá nhiều hộ kinh doanh trùng mặt hàng: “Quán này tôi bán bún, phở, bánh canh, nem chả không thiếu món gì đặc sản ở Bình Định. Nó cũng có cái đông góp phần vừa thuận tiện, vừa rẻ. Bây giờ không phát triển thêm phố ẩm thực thêm chi, một khu đây, khu khác bán những món khách hay hơn, chứ đừng phát triển đại trà quá."
Những tháng du lịch cao điểm, các tuyến phố ẩm thực trên các đường Ngô Văn Sở, Phan Bội Châu, Hoa Lư, điểm phục vụ giải khát kết hợp quảng bá du lịch tại bãi biển Sea Sand, Phố Văn hóa-nghệ thuật trên đường Lê Đức Thọ, Chợ đêm Quy Nhơn luôn đông khách tham quan, trải nghiệm. Các dịch vụ giải trí ở trung tâm thành phố biển Quy Nhơn như: karaoke, Sur bar, quán bar đang dần nâng cao chất lượng phục vụ du khách…
Tuy nhiên, hiện ở thành phố Quy Nhơn chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển kinh tế ban đêm, một số dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Quy mô các dự án phục vụ kinh tế ban đêm vẫn còn nhỏ lẻ và chưa có cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế ban đêm.
Tỉnh Bình Định có nhiều danh lam thắng cảnh, điểm du lịch biển thu hút nhiều du khách. Đại diện Công ty Golden Life Travel Quy Nhơn cho rằng, du lịch Bình Định có nhiều điểm đến, nhiều cảnh quan đẹp cùng nhiều di tích văn hóa - lịch sử độc đáo. Tuy nhiên, Bình Định chưa có khu vui chơi lớn, thiếu tour trải nghiệm về đêm.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty Golden Life Travel Quy Nhơn, trước nhu cầu trải nghiệm của du khách, rất cần những dịch vụ về đêm ở Bình Định: “Từ trước đến giờ, rất nhiều hoạt động về đêm doanh nghiệp tự làm cho nên cũng chưa có bài bản. Nhưng mà gần đây có sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng khá hơn, dần dần đi vào trật tự, quy hoạch. Bởi vì khi mà lượng khách chưa đến có thể nhiều doanh nghiệp họ ngại đầu tư hoặc là họ đầu tư nho nhỏ, thì càng ngày càng bài bản hơn.”
Năm 2023, tỉnh Bình Định phấn đấu đón 5 triệu lượt khách. Theo đó, ngành Du lịch tỉnh đã cố gắng triển khai kịch bản phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 dựa trên lợi thế của địa phương tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới. Trong đó, ngành du lịch tiếp tục phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ hoạt động về đêm phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố Quy Nhơn.
Mô hình du lịch thủy nội địa trên đầm Thị Nại về đêm sẽ được tổ chức tại khu vực từ Công viên Xanh, đường Đống Đa đến đoạn sông Hà Thanh dọc đường Hoa Lư, tham quan cầu Thị Nại, Cảng Quy Nhơn. Du lịch Bình Định cũng sẽ có thêm các tour du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm cùng ngư dân về đêm; Mô hình tham quan và trải nghiệm du lịch đêm đến các làng chài xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn.
Ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định khẳng định trong thời gian tới, địa phương sẽ tạo ra các điểm vui chơi ấn tượng về đêm để thu hút du khách gần xa: “Hoạt động và các dịch vụ ban đêm của Bình Định cũng chưa được nhiều. Ngành du lịch phải đề xuất để hình thành thêm nhiều sản phẩm du lịch ban đêm. Đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm ban đêm của khách du lịch. Phải mở rộng thêm các tour, tuyến và hình thành các điểm để cho khách dừng chân. Chọn lựa các vị trí phù hợp để tổ chức các phố đi bộ hiệu quả hơn vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội vừa phát triển được dịch vụ nhưng cũng hạn chế tối đa việc tác động xấu đến cuộc sống của người dân”./.