Du lịch cần được coi là ngành công nghiệp đóng góp lớn cho nền kinh tế
VOV.VN - Lần đầu tiên được tổ chức, Đại hội Công nghiệp du lịch quốc gia cho thấy góc nhìn mới về du lịch không chỉ là ngành dịch vụ, mà là một ngành công nghiệp và là một ngành kinh tế tổng hợp có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Sáng nay (7/10), với sự ủng hộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và các sở, ban, ngành, tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức chương trình “Đại hội Công nghiệp du lịch quốc gia” lần thứ I.
TS. Đinh Việt Hoà - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Trưởng ban tổ chức chương trình cho biết diễn đàn đã chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển du lịch, các ý tưởng, kế hoạch thúc đẩy phát triển hệ sinh thái du lịch. "Du lịch không chỉ là ngành dịch vụ, mà là một ngành công nghiệp và là một ngành kinh tế tổng hợp có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Chương trình lần này nhằm thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển du lịch, chính sách của Chính phủ hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; đề ra giải pháp hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, thúc đẩy xúc tiến đầu tư và thương mại liên ngành”.
TS. Vũ Tiến Lộc – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng tại Việt Nam, du lịch chưa được thực sự đối xử như một ngành mũi nhọn, chưa được tích hợp có hiệu quả như một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Các yếu tố văn hoá, lịch sử, tâm linh vẫn chưa "thấm đẫm" trong du lịch.
"Chừng nào mà ngành du lịch còn chủ yếu cạnh tranh bằng giá, có nghĩa là phát triển du lịch giá rẻ với giá trị gia tăng không lớn, thì chừng đó không thể tạo ra bước phát triển bứt phá trong ngành du lịch. Du lịch chưa phát huy được các yếu tố về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, tâm linh, chữa bệnh, chăm sóc sắc đẹp, công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp khác cộng sinh và bổ trợ cho công nghiệp du lịch. Phát triển du lịch thời gian tới cần tập trung vào khắc phục những điểm nghẽn này. Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cũng rất cần thiết trong lĩnh vực này và du lịch là không gian mênh mông cho những ý tưởng sáng tạo", TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại sự kiện.
Từ góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour kỳ vọng ngành du lịch Việt Nam sẽ tận dụng tốt hơn các thế mạnh văn hóa, ẩm thực cũng như bổ sung loại hình vui chơi giải trí, kinh tế đêm nhằm gia tăng chi tiêu của khách, khai thác tối đa và bền vững nhưng nguồn lợi mà ngành du lịch có thể mang lại.
"Chúng tôi ước tính khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu khoảng 100 USD/ngày, còn con số này tại Thái Lan là 160 USD/ngày. Ở nhiều điểm du lịch của Việt Nam, vẫn còn tồn tại câu chuyện khách đến không biết vui chơi gì hoặc dịch vụ đóng cửa sau nửa đêm. Trong khi đó cũng khách Việt Nam khi đi nước ngoài thì buổi tối đi xem show, vũ trường, vui chơi giải trí và chi tiêu rất nhiều. Vì vậy chúng ta cần quy hoạch không gian giải trí dành cho du khách tách xa các không gian văn hóa hay khu dân cư, vừa tránh sự xung đột vừa khai thác tối đa và cũng là đáp ứng nhu cầu của khách du lịch", ông Lê Công Năng nêu ý kiến.
Thông qua những báo cáo, thảo luận của chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, các phiên thảo luận chuyên sâu tại “Đại hội Công nghiệp du lịch quốc gia” lần thứ I đã khẳng định tầm quan trọng của phát triển du lịch, tập trung một số lĩnh vực có tính cấp thiết như xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp của tương lai; tiếp thị và mở rộng thị trường cho du lịch trong thời đại số; du lịch - xuất nhập khẩu và kết nối thương mại; mạng xã hội và truyền thông số phát triển thương hiệu du lịch quốc gia...