Du lịch hoài niệm trên đường Trường Sơn huyền thoại
VOV.VN - Nhiều di tích trên hệ thống đường Trường Sơn gắn với bao chiến công hiển hách, oanh liệt của bộ đội, thanh niên xung phong và người dân đất lửa.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, giải phóng dân tộc.
Những địa danh như sân bay A Sờ, A Lưới; Khe Hó (Vĩnh Linh); cầu treo Bến Tắt; Trạm Chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh 559, huyện Gio Linh; Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, sân bay Tà Cơn... , tỉnh Quảng Trị hay phà Xuân Sơn, đèo Đá Đẽo, Hang Tám Cô (tỉnh Quảng Bình) nằm trên tuyến đường Trường Sơn trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.
Bộ đội, Thanh niên xung phong về thăm viếng đền tưởng niệm phà Long Đại. |
Bây giờ, những di tích ấy đã và đang được chính quyền địa phương tăng cường khai thác, quảng bá, để thu hút du khách tìm về như một địa chỉ đỏ du lịch tâm linh. Chiến tranh đã đi qua, di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tại tỉnh Quảng Trị bây giờ trở thành điểm đến của du khách trên hành trình về nguồn.
Nằm bên con đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn. Nơi đây đã trở thành điểm đến của nhân dân cả nước, du khách quốc tế trên hành trình về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Ở vào thượng nguồn sông Bến Hải, kế bên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, cầu treo Bến Tắt như một dấu ấn nhiều nhắc nhở về tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại thời chống Mỹ, là điểm đến trong không gian du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”.
Ông Hồ Thanh Phúc, cựu chiến binh Trường Sơn trở lại trên đường Hồ Chí Minh nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn thắp hương viếng các đồng đội, đến thăm di tích cầu treo Bến Tắt ghi dấu những trận chiến ác liệt một thời bày tỏ: "Đây là nơi để lưu lại lịch sử lâu dài cho dân tộc, cho thế hệ mai sau. Đồng thời vừa là thắng cảnh, đồng thời là nơi ghi nhận lại lịch sử rất quan trọng của dân tộc mình."
Di tích Cầu treo Bến Tắt là điểm cuối cùng trên đường Trường Sơn thuộc đất Quảng Trị. Ngược ra Bắc là những làng mạc trù phú, những vườn cao su xanh ngút ngàn thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình.
Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, làng mạc, thôn xóm của cựu chiến binh Trần Xuân Điển, ở thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị tàn phá nặng nề. Do làng nằm gần bến phà Xuân Sơn trên trục đường vận chuyển vũ khí, đạn dược vào miền Nam.
Từ một trọng điểm bị đánh phá ác liệt của quân lực Hoa Kỳ, Xuân Sơn bây giờ đã thay da đổi thịt. Đời sống người dân thôn Xuân Sơn ngày một nâng lên, nhà cửa cao tầng san sát, đường làng ngõ xóm bê tông sạch đẹp.
Bến Xuân Sơn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. |
Cựu binh Trần Xuân Điển cho biết, cảnh đẹp đôi bờ dòng sông Son, dấu tích oai hùng của phà Xuân Sơn đã níu kéo nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan: "Dân ở đây mến khách, chính quyền địa phương quán triệt nên không có vấn đề chèo kéo khách, đi đâu cũng được khách mến trọng. Du khách về chủ yếu đi bộ hoặc đi xe đạp dọc theo sông Son lên tuyến trên động, thăm phà Xuân Sơn chủ yếu vào buổi chiều vì có bóng lèn mát, họ vào đó nghỉ ngơi. Bà con mình gặp họ cũng niềm nở, vui vẻ”.
Nhiều thuyền chở khách du lịch sông Phong Nha, sông Son nằm bên bến phà Xuân Sơn. |
Hiện toàn tỉnh Quảng Bình có 121 di tích lịch sử, trong đó có 35 di tích cấp quốc gia, 18 điểm di tích cấp Quốc gia đặc biệt, chủ yếu là di tích thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh. Trong đó, có thể kể đến các di tích nổi tiếng trên đường 12A như: Cổng Trời, Cha Lo, ngầm Khe Rinh, Khe Tang… Các di tích trên đường 15 như hang Lèn Hà, Khe Vang, sân bay Khe Gát, bến phà Long Đại, đặc biệt là di tích trên đường 20 Quyết thắng như bến phà Xuân Sơn, Hang Tám Cô, trọng điểm ATP, dốc Ba Thang...
Tượng đài và nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại bến phà Xuân Sơn. |
Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm. Hàng năm, tỉnh Quảng Bình đều có kế hoạch triển khai bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử. Nhiều di tích trên đường Trường Sơn là điểm đến không thể thiếu của nhiều du khách cũng như các công ty du lịch lữ hành. Tại các di tích, có lực lượng quản lý bài bản, có thuyết minh hướng dẫn, phục vụ du khách chu đáo và được đầu tư trang trọng.
Theo ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, hiện nay, một số công ty lữ hành về du lịch tổ chức cho du khách tham quan, thăm viếng các di tích theo loại hình du lịch tâm linh, hoài niệm, du lịch thăm lại chiến trường xưa.
Theo thống kê năm ngoái, có gần 350.000 lượt khách đến thăm động Phong Nha, gần 50.000 khách thăm hang Tám Cô và gần 18.000 khách thăm đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ trên bến phà Long Đại.
Đền tưởng niệm tại hang Tám Cô. |
"Hiện tại, Quảng Bình đang quan tâm đưa loại hình du lịch tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch thăm lại chiến trường xưa, du lịch tâm linh trở thành những sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách bằng các giải pháp như quy hoạch các điểm di tích gắn với phát triển du lịch, tổ chức các công ty khảo sát, tìm hiểu, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu di tích tiêu biểu trở thành điểm đến du lịch của tỉnh”, ông Hà cho biết.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, những địa danh tại tỉnh Quảng Trị gắn liền với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại nằm trong số gần 500 di tích lịch sử cách mạng và văn hóa tại địa phương. Đây là tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”. Tỉnh Quảng Trị mong muốn xây dựng du lịch hoài niệm trở thành một thương hiệu của du lịch của địa phương này.
"Du lịch hoài niệm mang tính đặc thù, mang tính thương hiệu của du lịch Quảng Trị. Đến với Quảng Trị, người ta gặp lại, hồi tưởng lại ký ức chiến tranh ngày xưa, hiểu thế nào là sự ác liệt, sự hủy diệt và cái giá phải trả của cuộc chiến tranh. Tỉnh có kế hoạch ưu tiên tập trung cho các di tích Quốc gia như hệ thống các di tích trên đường Hồ Chí Minh, từ du lịch hoài niệm sẽ nghiên cứu, xây dựng, nâng tầm loại hình du lịch này trở thành thương hiệu ký ức chiến tranh, khát vọng hòa bình", ông Chiến nói.
Những địa chỉ đỏ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp trên đường Hồ Chí Minh đang được các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị triển khai, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Du lịch hoài niệm mở ra triển vọng rất lớn để các tỉnh này phát triển du lịch đặc thù của địa phương./.