Du lịch homestay hồ Ba Bể: Giàu tiềm năng nhưng cũng lắm thách thức
VOV.VN - Dù còn nhiều khó khăn nhưng loại hình du lịch homestay ở hồ Ba Bể vẫn đang có nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.
Hồ Ba Bể nằm ở trung tâm Vườn quốc gia Ba Bể, cách thị xã Bắc Kạn 70km về phía Tây Bắc.
Tên gọi “hồ Ba Bể” bắt nguồn từ lý do hồ này được hợp thành từ ba hồ (Pé Lèng, Pé Lù, Pé Lầm).
Thắng cảnh này đặc biệt ở chỗ hồ nằm ở độ cao 150m so với mực nước biển và được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ cùng những cánh rừng nguyên sinh.
Quang cảnh hồ Ba Bể. |
Hồ Ba Bể có chiều dài hơn 8km, chỗ rộng nhất 2km, diện tích mặt nước 500ha, độ sâu trung bình 20m, chỗ sâu nhất 35m, trên hồ có nhiều đảo nhỏ xinh đẹp, lòng hồ là nơi sinh sống, trú ngụ của hàng trăm loài cá nước ngọt.
Với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và những nét riêng rất khác biệt, tháng 3/1995, Hội nghị quốc tế về hồ nước ngọt tổ chức tại Mỹ đã xếp hồ Ba Bể là 1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp nhất thế giới cần được bảo vệ.
Đến năm 2012, hồ Ba Bể đã được công nhận là Di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt.
Du lịch homestay khởi sắc
Nắm được những lợi thế thiên nhiên ban tặng, người dân các thôn, bản sống quanh khu vực hồ Ba Bể những năm gần đây đã và đang đẩy mạnh làm du lịch để góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Homestay là loại hình du lịch xuất hiện tại Việt Nam đã khá lâu, tuy nhiên gần đây tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, loại hình này mới phát triển, đặc biệt sau khi có Dự án phát triển Du lịch bền vững Tiểu vùng sông Mekong mở rộng với vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhằm mục đích hỗ trợ phát triển ngành du lịch bền vững tại 5 tỉnh của Việt Nam bao gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Đánh giá về hiệu quả của dự án đối với các hộ kinh doanh dịch vụ homestay quanh khu vực hồ Ba Bể, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch Bắc Kạn cho biết: “Trước đây, hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch của người dân chủ yếu là tự phát. Sau khi có dự án, trong đó bao gồm cả việc đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn thì hoạt động này trở nên chuyên nghiệp hơn, nâng cao được nhận thức của người dân, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử của người dân đối với khách du lịch”.
Ngày càng có nhiều hộ dân ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể làm du lịch homestay. |
Theo ông Hà, giờ đây người dân đã có thể hiểu được những lợi ích mà du lịch mang lại cho đời sống của họ.
Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm rõ rệt bởi nhiều gia đình đã tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ như sản xuất nông sản, cung cấp thực phẩm, nhân lực cho những hộ gia đình khác làm dịch vụ.
Ông Hoàng Văn Chuyền, trưởng thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể chủ cơ sở homestay Hoàng Chuyền cho biết, việc kinh doanh dịch vụ lưu trú cho phép gia đình ông cũng như các hộ gia đình khác trong thôn có thêm nguồn thu, không bị hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp như trước đây.
Ông Ngôn Văn Toàn, cơ sở homestay Khánh Toàn tại thôn Pác Ngòi chia sẻ: “Ngoài những nhân lực là người trong gia đình, mỗi khi đông khách, chúng tôi phải thuê thêm người để phục vụ”.
Theo ông Toàn, các lao động phục vụ du lịch trong thôn có thể vừa nấu những món ăn đặc trưng của người bản xứ, vừa có thể biểu diễn những lời ca, điệu múa dân gian, truyền thống phục vụ du khách.
Điều đáng ghi nhận là hàng năm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay trong thôn đều ngồi lại với nhau để họp bàn đánh giá kết quả hoạt động, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng phục vụ.
Ông Ngôn Văn Toàn, cơ sở homestay Khánh Toàn. |
Khó khăn và thách thức
Theo thống kê của địa phương, những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với Ba Bể tăng ổn định qua từng năm. Tuy vậy, phát triển du lịch ở đây cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn thách thức.
Số lượng khách du lịch tăng, đi kèm với đó là nhu cầu mở rộng các cơ sở lưu trú. Điều đáng nói là nhiều hộ dân thay vì dựng nhà sàn như truyền thống của người bản xứ đã và đang xây dựng nhà bằng gạch, điều này đe dọa làm mất đi nét đẹp vốn là sức hút với du khách, phá vỡ cảnh quan nguyên sơ ở Ba Bể.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch ở đây vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa tạo được sức hấp dẫn cho du khách.
Cụ thể, nhu cầu để có một không gian sinh hoạt chung, là nơi cho du khách từ khắp nơi trên thế giới có thể gặp gỡ, giao lưu khi đến với Ba Bể cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Đa số khách du lịch đến với Ba Bể hiện tại mới chỉ dừng lại ở hoạt động thăm thú, ngắm cảnh bởi nơi đây thiếu các loại hình vui chơi giải trí cho khách. Hiện vẫn đang tồn tại khoảng “thời gian chết” từ 19h-23h đối với khách tại các cơ sở lưu trú ở Ba Bể, điều này là một trong những nguyên nhân không giữ được khách ở lại lâu.
Giao thông dẫn vào khu vực hồ Ba Bể cũng đang là vấn đề tồn tại cần phải giải quyết. Dù đường giao thông vào Ba Bể đã được sửa chữa, nâng cấp, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu (đường xấu, nhiều đèo dốc, nhiều đoạn cua); đường quanh hồ, các đường vào bản xuống cấp; các đường đi bộ trải nghiệm hầu như chưa có.
Một cơ sở kinh doanh du lịch homestay ở thôn Pác Ngòi. |
Chia sẻ với phóng viên, một số du khách nước ngoài cho biết, họ ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ ở Ba Bể nhưng vẫn gặp phải đôi chút bất tiện vì khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ hạn chế của người dân bản xứ, điều này là rào cản lớn khi họ muốn tự khám phá nét văn hóa đặc trưng ở các thôn, bản xung quanh hồ Ba Bể.
Ông Hà thừa nhận, dù đã có những khóa tập huấn để nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho những người tham gia dịch vụ du lịch ở địa phương nhưng hiệu quả đạt được từ những khóa học này là chưa cao.
Về nghiệp vụ du lịch, ông Hà cho biết, hàng năm, Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch Bắc Kạn có tổ chức các khóa tập huấn và mời các hộ gia đình tham gia để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch nhưng việc huy động được người tham gia đã khó, kể cả có tham gia các lớp học, đa phần người dân sau đó vẫn làm theo lối mòn cũ.
Thu hút du khách bằng vốn văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số đang là mục tiêu phát triển du lịch ở hồ Ba Bể. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ cùng với nền văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc ít người sống quanh hồ Ba Bể vẫn luôn là lợi thế để nơi đây tiếp tục là điểm du lịch văn hóa cộng đồng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước./.
Với kinh phí 10 triệu USD, dự án Phát triển Du lịch bền vững Tiểu vùng sông Mekong mở rộng với vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đặc biệt chú trọng đến việc khai thác các cơ hội mới được tạo ra nhờ phát triển các hành lang giao thông trong Tiểu vùng. Dự án này khuyến khích các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng cũng như khu vực tư nhân cùng làm việc trong quan hệ đối tác nhằm phát triển, khai thác và duy tu các trang thiết bị du lịch của cộng đồng.
Dự án cũng giúp chuẩn bị các kế hoạch phát triển và quản lý các khu du lịch, đào tạo cộng đồng dân cư địa phương, đặc biệt là người dân thuộc các dân tộc ít người, các công ty lữ hành tư nhân, phát triển các chiến lược tiếp thị và sản phẩm du lịch.
Tại Bắc Kạn, dự án tập trung vào hợp phần bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Sau những khó khăn ban đầu, dự án đã xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa và thông tin du lịch ngay gần cổng Vườn quốc gia Ba Bể. Trung tâm có các công trình đảm bảo cung cấp thông tin và dịch vụ du lịch, trang thiết bị đào tạo, các phòng họp và ký túc xá.
Bên cạnh đó, dự án cũng đầu tư xây dựng mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa cộng đồng, bảo tồn cảnh quan môi trường sinh thái, tôn tạo các nhà sàn cổ… tại các địa phương như làng rèn Pắc Rằng, mô hình homestay ở bản Pác Ngòi, bản Bó Lù…