Du lịch sẽ sớm nảy nở tại nơi bảo vệ đàn voọc
VOV.VN - Để góp phần bảo tồn quần thể voọc chà vá chân xám, người dân Tam Mỹ Tây (Núi Thành, Quảng Nam) đang cần được tiếp sức để phát triển sinh kế và sử dụng hợp lý tài nguyên thông qua mô hình du lịch cộng đồng.
Voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam. Ở xã Tam Mỹ Tây hiện có 69 cá thể voọc, đang sinh sống trên diện tích 30 ha rừng tự nhiên tại 4 khu vực núi thuộc thôn Tú Mỹ và Tịnh Sơn (theo kết quả khảo sát của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - GreenViet tháng 9/2022).
Với tâm huyết bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ thế giới ở mức cực kỳ nguy cấp (CR), UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các chuyên gia đa dạng sinh học và các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, bảo tồn loài voọc từ năm 2018.
Xác định cộng đồng địa phương là nhân tố chính trong bảo tồn bền vững quần thể voọc, chính quyền địa phương đã thành lập “Nhóm tiên phong bảo vệ loài voọc chà vá chân xám - Tam Mỹ Tây” với 19 người bao gồm đại diện UBND xã, lực lượng kiểm lâm và người dân địa phương để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ voọc trên địa bàn xã.
Nhằm mở rộng sinh cảnh sống cho quần thể voọc, UBND tỉnh Quảng Nam có kế hoạch thu hồi, đền bù 30 ha đất trồng keo của người dân xung quanh khu vực núi mà voọc đang sinh sống. Để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân Tam Mỹ Tây và phát triển bền vững mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng, các giải pháp về phát triển sinh kế hiện đang được quan tâm thúc đẩy. Trong đó, du lịch dựa vào cộng đồng là giải pháp đầy tiềm năng.
Đại diện cho Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, ông Lê Quốc Việt - Chủ nhiệm CLB điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa cho rằng xã Tam Mỹ Tây cần phát triển sản phẩm du lịch giáo dục trải nghiệm tập trung vào giá trị của rừng voọc và đa dạng sinh học; kết hợp với hoạt động bảo tồn, trồng cây gây rừng, mở rộng phạm vi sống cho voọc. Những dịch vụ bổ trợ cũng cần gắn liền với yếu tố bản địa, như ẩm thực địa phương, chợ địa phương, lưu trú cộng đồng, các tour du lịch sinh thái…
Tuy nhiên thách thức không nhỏ tại Tam Mỹ Tây là nơi này chưa sẵn sàng về hạ tầng du lịch, ít người biết đến và người dân gần như sẽ phải đầu tư toàn bộ từ đầu. Hơn nữa, dù người dân xã Tam Mỹ Tây mong muốn làm du lịch và luôn có tinh thần bảo vệ đàn voọc, nhưng phần lớn trong số họ chưa có tư duy hay kinh nghiệm làm du lịch.
Hiện nay, người dân xã Tam Mỹ Tây có sự ủng hộ từ dự án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở xã Tam Mỹ Tây” do Mạng lưới các tổ chức Văn hóa Châu Âu (EUNIC) và Viện Goethe tại Việt Nam tài trợ thông qua Trung tâm GreenViet. Mục tiêu chính của dự án là góp phần bảo tồn quần thể voọc chà vá chân xám, phát triển sinh kế và sử dụng hợp lý tài nguyên thông qua du lịch cộng đồng ở xã Tam Mỹ Tây.
Phía GreenViet đang tìm kiếm thêm nguồn hỗ trợ để giúp cộng đồng tại xã Tam Mỹ Tây thành lập và vận hành các mô hình du lịch đầu tiên. Một "Quy chế du lịch cộng đồng" sẽ được xây dựng, làm cơ sở cho việc thành lập và vận hành du lịch cộng đồng tại đây. Sau đó, du lịch Tam Mỹ Tây sẽ được quảng bá và giới thiệu đến du khách thông qua các nền tảng số.
Đại diện Trung tâm GreenViet, ông Hoàng Quốc Huy - Phó Giám đốc và là người trực tiếp điều phối dự án ở Tam Mỹ Tây cho biết: "Người dân Tam Mỹ Tây mong muốn chính quyền và các chuyên gia du lịch tiếp tục hỗ trợ cộng đồng để phát triển du lịch. Khi đó, bên cạnh việc người dân có thêm thu nhập thì hình ảnh voọc và cộng đồng bảo tồn loài cũng sẽ được lan tỏa. Chúng tôi kỳ vọng Tam Mỹ Tây bắt đầu đón khách du lịch vào đầu năm 2023"./.