Đẹp ngơ ngẩn với “bức tranh” hoa súng ở miền Tây
Những phụ nữ thu hoạch và rửa bông súng tựa như bức họa thiên nhiên trên vùng sông nước miền Tây.
Bông súng miền Tây có thể chế biến xào hay nấu canh chua cá tép đồng. Ngoài ra là món mắm kho. Bông súng được đem rửa sạch, tước lớp vỏ ngoài mỏng, ngắt hoa, giữ lại cọng, kèm theo cá linh, rô đồng, thịt heo ba rọi và cà tím là có ngay một nồi lẩu mắm thơm ngon, đúng điệu miền Tây.
Bộ ảnh Bông súng miền Tây được tác giả Phạm Huy Trung (TP.HCM), thực hiện vào các mùa nước nổi ở An Giang và Long An.
Vào khoảng tháng 7 - 10 âm lịch hàng năm, con nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về tạo thành biển nước tràn đồng. An Giang, Long An nằm trong số những nơi đón nước đầu tiên, sau đó tới các tỉnh khác ở hạ lưu trong khu vực đồng bằng sông Cửa Long. Tùy theo năm mà lũ về sớm hay muộn. Lũ về cũng là lúc người dân mưu sinh, thu hoạch cá tôm, người giăng lưới, thả câu, trồng hoa màu và hái bông súng.
Bông súng được trồng hầu hết ở sông nước miền Tây. Súng trồng trong ao nhà thường có cọng mập. Còn súng dại (hay súng ma), chỉ mọc ở những bưng đồng, đầm nước lâu năm, thường có cọng dài từ 2 – 5 m và có bông màu tím, trắng.
Người dân gọi là súng ma bởi chúng hay nở ban đêm, khi mặt trời vừa lên là súng tàn héo và chìm xuống nước, nên phải đi ban đêm vào khoảng 3 giờ sáng để kịp nhổ những cọng bông xanh non.
Nước tràn đồng cũng là lúc xuất hiện các lá súng ma tí hon. Chỉ vài ngày sau phát triển to dần và có bông lấm chấm. Bông súng lặng lẽ khoe sắc, dù thân mềm, nhưng lại mang trong mình một sức sống dẻo dai. Nước dâng cao, bông súng cũng cao theo. Mưa càng nhiều nước thì bông súng càng dài cọng, mềm mại và tươi non./.