Hà Giang: Góc Việt Nam

(VOV) - Đến Hà Giang, ai cũng háo hức đến ngay cao nguyên đá Đồng Văn, một vùng núi non hung vĩ nhất cả nước.

Hà Giang – mảnh đất biên giới, cực Bắc của Tổ quốc là nơi có Cột cờ Lũng Cú hiên ngang và Cao nguyên đá Đồng Văn với những dãy núi đá tai mèo trập trùng. Xưa, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết trong tuỳ bút nổi tiếng "Mỏm Lũng Cú tột Bắc” rằng: "Hà Giang là một tỉnh biên giới nằm trên đỉnh đầu Tổ quốc. Người Hà Giang nhiều dáng nét, quả trái Hà Giang nhiều mùi vị. Núi Hà Giang hùng vĩ nhiều cổng trời, ngựa Hà Giang thon vó và mượt mà…”. Đã từ lâu, tôi ước mong một lần đến đây.

Cái ngày mà nhà văn Nguyễn Tuân đặt chân tới Hà Giang, tới đỉnh Lũng Cú để viết nên tuỳ bút nổi tiếng "Mỏm Lũng Cú tột Bắc" đã xa lắm rồi, cái thời còn lắm gian lao, để đi lên được địa đầu tổ quốc, cụ phải mất hàng ngày đường và chỉ có thể đi được bằng ngựa thồ. Trong những chuyến đi đó, Nguyễn Tuân đã chứng kiến người dân ở đây đang ngày đêm vất vả với công cuộc mở đường lịch sử. “Hình như lúc nào Hà Giang cũng nắn đường, nối đường, mở đường” - Nguyễn Tuân đã viết thế khi chứng kiến chặng đường 2,2 triệu ngày công mở đường của người dân nơi đây.

Những cung đường lịch sử của Hà Giang.

Giờ, ở thời điểm cuối năm 2012, sau nửa thế kỷ cụ Nguyễn Tuân “vi hành”, thì những cung đường ở đây đã dễ đi lắm rồi. Tuy đường xá vẫn khúc khuỷu như tay áo, nhưng đã bớt nhiều lắm những đoạn hiểm trở. Có thể đi ô tô, sáng từ Hà Nội mà tối đã ôm cột cờ Lũng Cú được rồi.

Nhưng chẳng phải vì thế mà cảm xúc mỗi người trong chúng tôi khi lên đến với Lũng Cú, với Đồng Văn, với Hà Giang vơi đi, mà trái lại, dâng tràn niềm cảm phục những đồng bào dân tộc anh em, những con người đã khắc chế thiên nhiên mà sinh con đẻ cái, sống hạnh phúc dưới khí hậu trên cao nguyên đá khắc nghiệt (đến nỗi cây cỏ cũng khó sống). Ngàn đời nay, 22 dân tộc Việt vẫn bám trụ ở miền địa đầu cực Bắc. Chính họ đã làm nên những cung đường lịch sử vắt quanh sườn núi, nối miền núi lại gần miền xuôi. Việc làm tưởng như không thể đó đã được ví rằng, “chỉ khi nào đá mọc trên đầu, dê đực biết đẻ thì người ta mới làm được đường vào Đồng Văn-Mèo Vạc”. Nhưng đường vẫn mọc lên. Con đường Hạnh Phúc dài gần 200km ấy, có lẽ là một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Ở cái xứ mà “nhìn thấy nhau trong tầm mắt, đến gặp nhau mất nửa ngày” thì quả thật có được con đường cho xe chạy thật là hạnh phúc, là kỳ tích. Và thấy thật tự hào mình là người Việt nam. Và cũng chính họ, từ đời này qua đời khác, từ thế kỷ này qua thế kể khác, góp phần giữ từng tấc đất của dân tộc.

Đến Hà Giang, hầu như ai cũng háo hức muốn được đến ngay vùng cao nguyên đá Đồng Văn, một vùng núi non hùng vĩ nhất cả nước, với diện tích 2.530km vuông, trải rộng trên đất đai bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là vùng cao nguyên đá hiếm hoi nhất, với những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, độ cao trung bình từ 1.400 đến 1.600 mét so với mực nước biển. Đây cũng là một vùng núi còn lưu giữ trong mình nó những nét văn hoá đặc sắc và nên thơ của cộng đồng các dân tộc vùng cao nước ta. Thiên nhiên đã xếp đặt cho Việt Nam một miền đá miên man khốc liệt, mà di sản kỹ vĩ đắm say cũng từ đó. Núi Cô Tiên với hai bầu ngực mơn mởn, các cổng trời như Quản Bạ, Cán Tỷ vút cao trong mây mù, đèo Mã Pí Lèng, đệ nhất đỉnh đèo của trời Nam với những vách đá tạo ra những hẻm vực rợn người. Thiên nhiên dữ dằn, khốc liệt đã khiến mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, tháng 10 năm 2010 họp tại Hy Lạp, đã chính thức công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên. Đây là công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam, công viên thứ hai của Đông Nam Á.

Cùng trong năm 2010, khi cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, thì cột cờ Lũng Cú - một biểu tượng linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc cũng được xây xong, uy nghi, bề thế. Cột cờ mới xây cao đến 33,15m, trong đó riêng phần thân cột cao 20,5m, cán cờ dài 12,9m. Chân cột hình bát giác với 8 bức phù điêu bằng đá xanh, minh họa cho các giai đoạn lịch sử Việt Nam.

Ai đó đã nói, “là người Việt Nam, nếu chưa một lần được đứng trên đỉnh Lũng Cú để ngắm lá cờ của Tổ quốc, kể ra vẫn thiếu thiếu cái gì đó…”. Trong đoàn đi Lũng Cú lần này, phân nửa là chưa từng đặt chân đến Hà Giang. Tâm trạng tò mò, hồi hộp, chờ đón xâm chiếm cả đoàn. Tâm trạng trong tôi cũng vậy. Gần 1.000 bậc từ chân lên đỉnh cột cờ và trời mưa nặng hạt không ngăn được bàn chân của chúng tôi, để khi lên đến đỉnh, được chạm tay vào lá cờ Tổ quốc, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió đã không ngăn nổi niềm cảm xúc trào dâng mãnh liệt:

Ơi Việt Nam, nhìn từ tột bắc

   Là một dải chữ S thân thương

       Những con người làm nên lịch sử

         Là máu xương con Lạc cháu Hồng.

Trên bản đồ Việt Nam, Lũng Cú là đỉnh "chóp nón" nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú gắn liền với truyền thuyết rất Việt Nam: “Sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Thanh, Hoàng đế Quang Trung cho đặt một cái trống lớn tại nơi biên ải thuộc địa bàn xã Lũng Cú, nơi hiện nay là Đồn Biên phòng Lũng Cú. Cứ một canh giờ, 3 tiếng trống lại vang lên đĩnh đạc, khẳng định chủ quyền biên giới”. Bởi thế mà Lũng Cú còn có tên cổ là Long Cổ - tức trống của Vua. Tuy nhiên, cột cờ Lũng Cú vẫn chưa phải là điểm cực xa nhất về phía Bắc của Tổ quốc. Điểm mốc Cực Bắc thật sự của Việt Nam là Cột mốc số 422, nằm ngay giữa bản Séo Lủng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), cách 3km về hướng Bắc so với vị trí cột cờ Lũng Cú theo đường chim bay. Séo Lủng là một bản người dân tộc Mông, cũng chính là nơi dòng sông Nho Quế bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam.

Nhắc đến Lũng Cú mà không nhắc đến sự tích cột cờ Lũng Cú thì quả thiếu sót. Cột cờ Lũng Cú bắt đầu có từ thời Lý Thường Kiệt, nhưng để cột cờ có ý nghĩa và hoành tráng như bây giờ thì phải tính từ thời điểm năm 1978, khi ông phó chủ tịch huyện Đồng Văn thời bấy giờ là ông Hùng Đình Quý lên nhậm chức. Ông đã cùng bà con làm con đường lên đây và dùng cây sa mộc với đường kính 20 cm, chiều cao 12 m để treo là cờ lớn, với diện tích 54m2 đại diện cho 54 dân tộc anh em. Kể từ đó, không ngày nào mà lá cờ đỏ sao vàng không tung bay phấp phới ở đây.

Tặng quà cho trẻ em vùng cao Hà Giang.

Tôi và anh chị em trong đoàn, gồm các phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, các bác sỹ của Viện Mắt trung ương, bệnh viện đa khoa Hà Giang, công ty du lịch Việt Travel chắc đã không ít lần làm lễ chào cờ, có cả những nghi lễ quan trọng. Nhưng, trong chuyến đi này, khi đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng Lũng Cú, thực hiện nghi lễ chào cờ với bài quốc ca thiêng liêng, ai cũng xúc động, lời hát cất cao. Trong mỗi chúng tôi một cảm xúc mạnh tràn ngập khắp cơ thể. Trưởng đoàn Mạnh Thắng, phó giám đốc Hệ VOV1, Đài Tiếng nói Việt nam khi trao lá cờ Tổ quốc cho đại diện đồn biên phòng Lũng Cú đã phát biểu rất xúc động: “Hôm nay, được có mặt tại đây, nơi địa đầu tổ quốc, thay mặt cho toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp VOV1, Đài Tiếng nói Việt nam xin được chia sẻ với các chiến sỹ biên phòng của đồn biên phòng Lũng Cú nói riêng và cán bộ chiến sỹ biên phòng trên toàn quốc nói chung về những khó khăn gian khổ, sự hy sinh xương máu để bảo vệ vững chắc từng tấc đất của quốc gia. Các anh thực sự là phên dậu của Tổ quốc giữ vững sự bình yên cho đất nước. Chúng tôi mong các anh giữ gìn sức khỏe, giữ vững niềm tin và ý chí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sự tin tưởng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Xin được thay mặt cho toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên hệ VOV1 kính tặng đồn biên phòng Lũng Cú lá cờ Tổ Quốc thay cho lời cảm ơn chân thành nhất gửi tới toàn thể cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Lũng cú nói riêng và toàn thể cán bộ chiến sỹ biên phòng nói chung”. Tôi nghĩ, cảm xúc của anh là thật.

Người ta gọi cao nguyên đá là vùng “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng” để thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây. Bầu trời gần như quanh năm mây mù, nước nôi thì thiếu thốn. Nước cho sinh hoạt vốn đã thiếu, còn nước cho canh tác thì chỉ có “trông trời”! Cũng may gần đây, Chính phủ đã có chương trình xây hàng trăm “hồ treo” bê tông cốt thép hứng và tích trữ nước trời rồi làm đường ống dẫn về các gần nơi có bà con sinh sống, nên phần nào giúp người dân đỡ vất vả. Cả vùng có tới 22 dân tộc sinh sống, nhưng khắc nghiệt nhất là đời sống của người Mông. Bà con người Mông sống trên núi cao, chỉ có đá và đá, mỗi ngày họ phải gùi từng nắm đất đổ vào hõm đá để trồng ngô, rồi trông đợi mưa xuống. Con người quyết liệt chen với đá để chiếm cho được một mảnh sống xanh tươi, dù nhỏ nhoi. Có lên đây người ta mới hiểu thế nào là “rừng đá”, là “cao nguyên đá”. Đá tai mèo sắc nhọn, dựng đứng, san sát như rừng. Đá xếp tầng tầng, rập rờn mà lồng lộng. Đẹp não nùng.

Nhắc đến người Mông, phần dân cư đông nhất trong số các dân tộc làm ăn sinh sống từ bao đời nay trên vùng cao nguyên cực Bắc thì cũng phải nhắc đến Nghệ thuật xếp đá. Đó là nét độc đáo trong cấu trúc nhà truyền thống của người Mông, tất cả các ngôi nhà thường được xếp đá xung quanh vô cùng chắc chắn, nhằm ngăn thú dữ. Câu chuyện này tôi nghe được qua lời kể của hướng dẫn viên bất đắc dĩ, là Bác sỹ Hải, bác sỹ chuyên ngành mắt của bệnh viện đa khoa Hà Giang kể lại. Những viên đá có kích cỡ khác nhau với nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, tạo nên bức tường bao kiên cố, phẳng mà không cần sử dụng chất kết dính nào. Để có được hàng rào đá hoàn chỉnh bao quanh ngôi nhà, gia chủ cùng với người thân phải mất hàng tháng trời nhặt những mảnh đá vỡ về xếp thành hàng rào. Bác sỹ Hải cá với tôi rằng, dùng sức người, không thể du đổ hàng rào tưởng chừng thiếu liên kết đấy.…

Thắng Mố là xã vùng cao nằm ở phía Bắc của huyện Yên Minh. Cách trung tâm huyện 42 km. Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 2200 hecta, trong đó 95% là đá. Toàn xã có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 86%. Theo ông Nguyễn Văn Khu, phó chủ tịch huyện Yên Minh, thì Thắng Mố là xã nghèo nhất của Yên Minh, còn Yên Minh lại là một trong những huyện nghèo nhất Việt Nam. Tổng số hộ trong toàn xã là 397 hộ, với 2239 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 66,2 %. Thắng Mố là địa phương được cả đoàn chọn đến làm từ thiện với chương trình áo ấm cho em, đơn giản vì Thắng Mố quá nghèo, bà con quá cơ cực cần sự giúp đỡ. Ở buổi khám mắt từ thiện cho bà con, thấy bệnh nhiều, vệ sinh cơ bản thiếu thốn, có người cả tháng không được tắm một lần, các bác sỹ Loan, bác sỹ Trang, bác sỹ Hải đã phải thốt lên: “Thương bà con mình quá”. Thương hơn, khi đoàn đến thực hiện tặng áo ấm cho các cháu bé mẫu giáo. Được tin có đoàn xuống tặng áo, nhà trường, bố mẹ các cháu vui lắm, chờ ngóng cả ngày. Quãng đường từ Hà Nội lên đây thì xa, xe chúng tôi đã đi rất nhanh, nhưng dù có đến nơi trước cả đoàn thì trời cũng chập tối, đổ rét. Để các cháu không phải về nhà đêm hôm, chịu giá lạnh, đoàn quyết định trao quà tượng trưng, rồi đợi xe chở quà lên sau sẽ bàn giao lại cho xã, cho trường chia cho các cháu. Vài ba chiếc áo, mà chúng tôi mang đi trước chẳng đủ chia mỗi cháu một chiếc, thế là đứa có, đứa không. Mà đứa chưa nhận được thì nhiều, cứ thế úp mặt vào bố mẹ khóc, tủi thân. Cô giáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Trang vừa dỗ các cháu, vừa tâm sự: “Thương các cháu lắm, trời thì rét, bé vậy mà chỉ có mỗi cái áo để mặc, còn thì ở truồng”. Anh chị em trong đoàn, chẳng ai bảo ai, cùng ngấn nước mắt bảo nhau, đợt này về sẽ tìm nhiều nguồn tài trợ hơn cho các cháu.

Mã Pí Lèng, đệ nhất đỉnh đèo trời nam, một đỉnh núi có độ cao khoảng 2.000m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc, nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 200km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong gần năm (1959-1966) với trên 2,2 triệu lượt ngày công lao động. Trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. Suốt cung đường này, chỉ thấy sự rợn ngợp của núi đá. Nhưng trong cái thiên nhiên khốc liệt đó lại tồn tại những cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp nao lòng. Có lẽ đây là sự cân bằng cần thiết của tạo hóa.

Chợ Đồng Văn ngày phiên (chủ nhật) vẫn đông thế, vui thế như trong lời kể của các bậc đàn anh đã qua đây. Vẫn là nơi giao thương và giao lưu của rất nhiều đồng bào người Mông, Hán, Dao, Giáy, Tày... sống ở nơi địa đầu cao nguyên đá. Không cầu kỳ, choáng ngợp như chợ miền xuôi, chợ phiên Đồng Văn thông thoáng mênh mông giữa những ngọn đồi cao giữa phố huyện. Để có thể tham gia chợ phiên, nhiều người phải đi từ sáng sớm. Có những người phải đến chợ trước một ngày. Vẫn các gian hàng đơn sơ, trưng bày thổ cẩm, vải vóc, kim chỉ... Vẫn những chảo thắng cố nghi ngút khói, vẫn những người đàn ông ngất ngưởng bên chai rượu ngô và cả những người vợ cầm ô che cho chồng nằm bên vệ đường, chờ tỉnh rượu mới về….

Một chút cảm nhận qua chuyến đi ngắn ngủi, chắc cũng đủ để gợi cho ai chưa đến Hà Giang một ước muốn chiêm ngưỡng núi Rồng, ngọn núi có lá cờ tổ quốc thiêng liêng, được leo lên đỉnh tháp cờ, được phóng tầm nhìn ra xa mà hét vang 2 tiếng Việt Nam và tự hào rằng: Đây là địa đầu của Tổ quốc ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Hà Giang cần chú trọng phát triển đi với bền vững"
"Hà Giang cần chú trọng phát triển đi với bền vững"

Nhân dịp năm mới 2012, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã về thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.

"Hà Giang cần chú trọng phát triển đi với bền vững"

"Hà Giang cần chú trọng phát triển đi với bền vững"

Nhân dịp năm mới 2012, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã về thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Hà Giang tổ chức Festival khèn Mông lần đầu tiên
Hà Giang tổ chức Festival khèn Mông lần đầu tiên

Festival được kì vọng sẽ là một trong những hoạt động văn hóa để lại ấn tượng sâu sắc của văn hóa và tinh thần của người Hà Giang

Hà Giang tổ chức Festival khèn Mông lần đầu tiên

Hà Giang tổ chức Festival khèn Mông lần đầu tiên

Festival được kì vọng sẽ là một trong những hoạt động văn hóa để lại ấn tượng sâu sắc của văn hóa và tinh thần của người Hà Giang

Bác sỹ trẻ ở thủ đô tham gia tình nguyện ở Hà Giang
Bác sỹ trẻ ở thủ đô tham gia tình nguyện ở Hà Giang

Các bác sỹ đã tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện có ý nghĩa như: thăm các gia đình chính sách và khám, tư vấn sức khỏe… cho người dân ở Hà Giang

Bác sỹ trẻ ở thủ đô tham gia tình nguyện ở Hà Giang

Bác sỹ trẻ ở thủ đô tham gia tình nguyện ở Hà Giang

Các bác sỹ đã tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện có ý nghĩa như: thăm các gia đình chính sách và khám, tư vấn sức khỏe… cho người dân ở Hà Giang