Hà Nội mở cửa trở lại hoạt động du lịch, đón khách quốc tế
VOV.VN - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch, đón khách du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới trên địa bàn.
Để thu hút khách du lịch quốc tế, trước mắt Hà Nội tích cực quảng bá, thu hút khách du lịch tại các thị trường trọng điểm, có độ an toàn cao về công tác phòng chống dịch bệnh, gồm: thị trường các nước trong Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Mỹ, Canada. Căn cứ theo tình hình thực tế, Hà Nội sẽ mở rộng với các thị trường khác.
Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực, các địa phương để đảm bảo việc mở cửa du lịch được diễn ra đồng bộ, thống nhất; chủ động phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và trong các tổ chức quốc tế để tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và xúc tiến du lịch; triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, ở khu vực phía Bắc, TP.HCM và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên... nhằm xây dựng các chương trình du lịch liên kết thu hút khách quốc tế.
Năm 2022, Hà Nội tổ chức các chuỗi hoạt động, sự kiện, lễ hội sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô thu hút khách du lịch trước, trong và sau SEA Games 31 như: Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội Du lịch Hà Nội, Liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội; Liên hoan làng nghề, phố nghề năm 2022; Festival Áo dài Hà Nội, khai trương du lịch Ba Vì, du lịch Gia Lâm…
Về xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, Hà Nội tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ trung tâm Hà Nội đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất - Quốc Oai và Sơn Tây - Ba Vì.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm tại Hà Nội, như làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; tuyến phố đi bộ tại khu đô thị Nam vành đai 3, quận Hoàng Mai; không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang - công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng…
Phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến du lịch, đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống. Khuyến khích các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong khu vực nội, ngoại thành xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm, các dịch vụ trải nghiệm, ẩm thực phục vụ thị hiếu của khách du lịch quốc tế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động kinh doanh, UBND thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch như: Kéo dài thời gian giảm giá điện đối với các cơ sở lưu trú du lịch; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư liên quan đến hoạt động du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, điểm đến tham quan du lịch tham gia các đoàn khảo sát, hội chợ du lịch quốc tế để xây dựng, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, phát triển sản phẩm du lịch.
Về hỗ trợ phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị đào tạo uy tín chuyên ngành du lịch triển khai, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động, cán bộ làm việc trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố. Thúc đẩy hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tiếp cận nguồn nhân lực du lịch. Tích cực triển khai các lớp du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về du lịch./.