Hấp dẫn du lịch làng nghề Thái Bình
VOV.VN - Với Thái Bình, du lịch làng nghề được xác định là một trong những loại hình du lịch đặc thù, có thế mạnh và tiềm năng phát triển phong phú.
Với hàng trăm làng nghề rải rác khắp địa bàn, Thái Bình là điểm đến hấp dẫn cho những du khách yêu thích loại hình du lịch làng nghề. Những cái tên như bánh cáy làng Nguyễn (huyện Đông Hưng), chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương), dệt Phương La - Thái Phương (huyện Hưng Hà), dệt chiếu cói ở huyện Hưng Hà, dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương)… là minh chứng sống động cho tài hoa, trí tuệ của con người Thái Bình. Mỗi làng nghề giống như một "bảo tàng sống" về văn hóa truyền thống, tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách.
Trong đó, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (huyện Kiến Xương) là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất của tỉnh Thái Bình. Nghề chạm bạc ở Đồng Xâm được hình thành vào khoảng thế kỷ XV. Các sản phẩm chính được tạo ra chủ yếu là đồ thờ cúng, đồ trang trí, trang sức... Dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, những khối bạc sẽ được chạm khắc công phu, tỉ mỉ để tạo ra những sản phẩm đẹp nhất, hoàn thiện nhất. Trong quá trình chế tác, mặc dù có sự tham gia của máy móc song nhiều công đoạn vẫn cần bàn tay khéo léo của con người và một số kỹ thuật riêng để hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh chạm bạc, hiện nay ở Đồng Xâm phát triển thêm nghề chạm đồng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với sự tinh xảo, các sản phẩm được tạo ra từ làng nghề trở thành một trong những mặt hàng nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Ghé thăm Thái Bình, du khách nhất định phải đến làng nghề dệt chiếu Hới nằm trên địa bàn xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Đây là một trong những làng nghề lâu đời nhất của tỉnh Thái Bình và chiếu Hới là một trong những vật dụng thân thuộc của người dân Bắc Bộ. Nguyên liệu chính để làm chiếu là cói và sợi đay. Để làm được một chiếc chiếu không chỉ cần sự khéo léo, tỉ mỉ mà còn cần cả kinh nghiệm và sự sáng tạo của người thợ. Với sự sáng tạo, người thợ thường dệt nhiều loại hoa văn như bông hoa, chữ thọ, hình thoi... và nhuộm thêm màu sắc để chiếc chiếu trở nên độc đáo và đẹp mắt.
Hiện nay, du lịch làng nghề được xác định là một trong những loại hình du lịch đặc thù, có thế mạnh và tiềm năng phát triển lớn tại Thái Bình. Khi hệ thống hạ tầng được đầu tư phát triển, việc kết nối các điểm đến văn hóa - lịch sử - làng nghề - sinh thái điển hình sẽ tạo nên các tour du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách. Đến thăm các làng nghề truyền thống tại Thái Bình, bên cạnh việc tìm hiểu lịch sử làng nghề, tìm hiểu quy trình kỹ thuật làm ra sản phẩm, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống cộng đồng ở nông thôn, chọn mua các mặt hàng thủ công truyền thống với giá cả phải chăng, thưởng ngoạn cảnh quan yên bình đặc trưng của làng quê Bắc Bộ và được tham dự nhiều sinh hoạt dân gian phong phú.
Du khách tới Thái Bình có thể theo hành trình từ đền Trần ở Hưng Hà vào làng chiếu Hới, qua Chèo làng Khuốc ở Đông Hưng; múa rối nước Nguyên Xá và Đông Các; ngược lại chùa Keo và làng vườn Bách Thuận ở Vũ Thư, xuống làng chạm bạc Đồng Xâm và làng mây tre đan Thượng Hiền ở Kiến Xương và kết thúc tại Cồn Vành ở Tiền Hải. Một điểm nhấn khác không thể bỏ qua khi đến Thái Bình là ẩm thực truyền thống ở mỗi địa phương như canh cá Quỳnh Côi, bánh Cáy làng Nguyễn, bánh gai Đại Đồng (Vũ Thư), gỏi nhệch Diêm Điền, nộm sứa Thái Thụy… Ngoài ra, du khách còn rất nhiều lựa chọn trong số hàng trăm điểm đến văn hóa và làng nghề đang hoạt động ổn định ở Thái Bình.
Phát triển du lịch bền vững cũng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các làng nghề. Đơn cử như làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, trước đại dịch Covid-19 hàng tháng đều có những đoàn khách nước ngoài tới đây, không chỉ tham quan mà còn đặt hàng, mua hàng. Việc phát triển du lịch làng nghề tại Đồng Xâm giúp người dân ở đây không chỉ sản xuất sản phẩm thông thường mà còn hưởng lợi nhiều từ du lịch như cung cấp các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, sản xuất đồ thủ công, đồ lưu niệm bán cho du khách, tổ chức cho du khách trực tiếp tham gia vào một số quy trình sản phẩm đơn giản… Qua đó sản xuất và du lịch hỗ trợ được cho nhau hiệu quả hơn, đặc biệt ở khâu quảng bá sản phẩm tại chỗ.
Sản phẩm của các làng nghề, phố nghề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển du lịch Thái Bình; nhưng để du lịch làng nghề tạo ra dấu ấn riêng, khẳng định thương hiệu thì cần có sự chung tay của hiệp hội, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, việc quan tâm, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển hạ tầng; quy hoạch, sắp xếp hợp lý làng nghề; xây dựng phòng trưng bày sản phẩm làng nghề… cũng là những giải pháp cần tính toán để hấp dẫn du khách./.