Khám phá chợ Tết miền Tây
VOV.VN - Chợ Tết luôn quan trọng trong tâm tưởng và trong đời sống thực tế đón tết của mỗi gia đình.
Tết không thể thiếu chợ Tết và trong điều kiện tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì chợ Tết càng trở nên quan trọng trong tâm tưởng và trong thực tế đời sống của mỗi gia đình.
Như rất nhiều gia đình miền Tây, bà Trần Thị Dung có 3 người con và các cháu nội ngoại. Ông bà sống với gia đình cậu con trai ở thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, còn hai người con khác đều công tác xa ở Mỹ Tho va thành phố Hồ Chí Minh. Tết Nguyên đán là dịp duy nhất đại gia đình sum họp nên ông bà đều coi như sự kiện trọng đại nhất trong năm, mong cho mau tới 29, 30 để con cháu về đoàn tụ đón xuân.
Là gia đình Nho giáo truyền thống nên ông bà am hiểu tất cả tục lệ, lễ Tết Nguyên đán theo đúng ông bà xưa để lại, từ chăm chút chậu hoa mai ngoài sân đến gói bánh tét theo tục cổ cúng mùng 3 đưa ông bà mang theo trên đường kinh lý trở về cõi âm…
Từ nhiều năm nay, Tết trong gia đình bà không còn quá cầu kỳ như tục xưa nữa dù vẫn giữ nếp truyền thống đủ mâm cúng tất niên, nghênh đón tài thần… Tất cả đã có chợ, có dịch vụ hỗ trợ ngày tết và các con về góp tấm lòng thơm thảo. Với bà, tết như thế đã thật vui, thật đầy đủ và hạnh phúc lắm rồi.
Với nhiều người miền Tây và du khách, chợ Tết phương Nam là điểm đến để thưởng lãm, để sắm Tết cho không gian gia đình, cho mâm cơm và tiệc đãi khách ngày xuân thì với các tiểu thương, chợ Tết là niềm vui và nguồn sống quan trọng trong năm. Dịp này, chợ cũ mở rộng, nơi bến sông, dọc lộ lớn, quanh khu dân cư mọc thêm nhiều chợ mới. Tất cả đều xôn xao, tấp nập người mua kẻ bán, mặt hàng nào cũng hút khách.
Chị Thạch Thị Phương – quê ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là tiểu thương quanh năm buôn bán xa nhà. Chị lấy tôm, cá, mực khô từ Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang về bán tại Cần Thơ, Vĩnh Long. Dịp Tết nào cũng tất bật, nhưng cả hai vợ chồng đều rất vui. Vui vì những chuyến hàng tết góp phần lớn trong chi tiêu nuôi 2 con ăn học và cũng vui vì sau những tháng dài vất vả, xa nhà, Tết đến, cả gia đình có kỳ nghỉ dài ngày sum họp và chăm sóc nhau.
Chợ ven đường
Cùng là chợ Tết, nhưng chợ tết phương Nam có những điểm riêng. Chợ thường ở dọc sông hay nổi trên sông nên trong âm thanh xôn xao của chợ có tiếng nước vỗ bờ, có tiếng xuồng máy rộn rã và có giọng rao mời ngọt lịm. Chợ bán theo nhu cầu mua sắm trong quan niệm của người phương Nam nên hầu hết hàng hóa đều có 2 màu chủ đạo được cho là may mắn là vàng và đỏ. Hoa thì nhiều nhất là hoa cúc, hoa vạn thọ, các loại trái cây, bánh tết được ưu chuộng nếu mang màu sắc khác thì cũng được trang trí thêm bằng lời chúc “Phúc – Lộc” in trên giấy vàng hoặc đỏ…
Chợ Tết ở mỗi tỉnh, thành lại cũng có những điểm riêng gắn với vùng nguyên liệu và đặc sản địa phương. Như Bến Tre nhiều nhất là sản phẩm từ dừa; Trà Vinh, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau nhiều nhất là các mặt hàng tôm cá.v.v… Chợ có từ lâu đời nhưng luôn vận hành tươi mới theo nhịp sống đương đại. Dù ở thế hệ nào thì mọi người dân đều phương Nam đều yêu nhất, ấn tượng nhất với chợ tết quê mình.
Vẫn là chợ thôi, nhưng chợ Tết thì có nhiều cái khác. Khác ở qui mô họp chợ, ở sự phong phú nguồn hàng, ở không khí đông vui, ở tâm thế náo nức của người mua, người bán và ở tác động của chợ tới mỗi gia đình.
Trong tốc độ phát triển của đất nước hôm nay, với mỗi gia đình miền Tây, chợ không còn cách sông, cách đò, không còn quá xa về khoảng cách địa lý và về cả giới hạn cung cầu ngày tết. Vì vậy, việc chuẩn bị tết của các bà, các cô nội tướng trong gia đình đã có nhiều thay đổi so với mười hay mười lăm năm trước. Chợ Tết vì vậy càng trở nên quan trọng trong tâm tưởng và trong đời sống thực tế đón tết của mỗi gia đình./.