Khi các “mế” làm tiếp thị

Khi nhận tận tay từ những bà “mế” vùng cao những tấm danh thiếp ghi rõ họ tên, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, số mobile, địa chỉ email thì không ai còn nghĩ rằng trước đó họ vốn sống ở những bản người Cơ Tu xa lắc của Quảng Nam, người Thái xứ Nghệ  hay trong một bản H’Mông ở Quản Bạ (Hà Giang)…

Tự tin như dân buôn thành thị

Những năm gần đây, những phụ nữ thiểu số đã nhận thức được phần nào sức mạnh, giá trị của những đồ dùng quen thuộc được làm từ những bàn tay khéo léo của họ. Những chiếc khăn, váy, áo, chăn đệm, gối thổ cẩm và những vật dụng chế tác từ gỗ, cây mây, cây tre rất được ưa thích ở nhiều nơi và càng hấp dẫn với du khách nước ngoài. Từ nhận thức đó, những phụ nữ dân tộc thiểu số chân chất này đã tìm cách đưa những sản phẩm đó ra thị trường rộng lớn, họ không còn luẩn quẩn bán hàng tại các khu du lịch địa phương hay làm ra những sản phẩm đó chỉ với mục đích tiêu dùng cá nhân nữa. Lúc đầu, các bà, các chị chỉ tham gia các hội chợ nhỏ lẻ được bao cấp về kinh phí, dần dà, họ đã đứng ra tự tổ chức những chuyến giới thiệu hàng ở những tỉnh thành xa như Hà Nội, Quảng Ninh hay TP Hồ Chí Minh.

Luôn tươi cười với khách tham quan

Hiện nay đã có những cửa hàng giới thiệu những sản phẩm của họ  ở Hà Nội, trên phố Quán Sứ, Mã Mây… Mới đây nhất, gần 40 gian hàng giới thiệu những sản phẩm thổ cẩm của các làng nghề của nhiều dân tộc khác nhau như người H’Mông, Dao ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa, Hà Giang cùng góp mặt ở khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học (đường Nguyễn Văn Huyên – Hà Nội) trong Hội chợ Các làng nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số do tổ chức Crap link có trụ sở ở phố Văn Miếu hỗ trợ kinh phí.

Mua 10 tặng 1

Cảm tưởng về sự chuyên nghiệp trong cung cách giới thiệu sản phẩm đã dần dà hình thành trong nếp nghĩ của những “bà mế” thiểu số khi họ vốn là những người chân chất không quen với cuộc sống thương nghiệp. Trước nay họ chỉ gắn bó với lối sống tự nhiên dựa vào những sản vật kiếm được từ rừng và của biếu, của cho vẫn được coi trọng hơn của mua, của bán. Nay họ đã biết trao tay khách hàng những tấm danh thiếp, hứa sẽ có hàng đến tận nhà nếu ai có nhu cầu, biết treo biển khuyến mại bằng tiếng Anh với nội dung “Mua 10 tặng 1” (buy 10 get free 1!). Nhìn những tờ rơi được trình bày đẹp chuyên nghiệp, in song ngữ mà những người phụ nữ dân tộc trao cho khách tham quan, có du khách tấm tắc: “Bà con bây giờ văn minh hơn miền xuôi chúng mình rồi đấy.”

“Thợ đệt” Cơ Tu (Quảng Nam) biểu diễn trên khung dệt truyền thống

Ngoài những tờ rơi bằng tiếng Anh, làng nghề Thổ cẩm truyền thống Hoa Tiến (Quỳ Châu – Nghệ An) còn chép tay những thông tin về sản phẩm của họ một cách nắn nót trao tận tay khách hàng. Cách làm có vẻ “hồn nhiên” này khiến những du khách ngoại quốc cảm thấy thú vị.

Bà Giàng Thị Mai người làng nghề thổ cẩm xã Lùng Tám (Quảng Bạ - Hà Giang) luôn tươi cười, giảng giải tận tình cho khách tham quan ý nghĩa những hoa văn trên từng tấm chăn, chiếc áo bằng thứ tiếng Kinh còn chưa sành sỏi.

Mong muốn mở rộng cơ hội là ăn

Bà Sầm Thị Khuyên, thợ dệt của làng nghề thổ cẩm Truyền thống Hoa Tiến, tâm sự: “Những chuyến đi như thế này chúng tôi bán được ít hàng lắm. Hàng mang đi lại mang về. Đi tham gia hội chợ cốt để tìm bạn hàng và giới thiệu sản phẩm thôi chú ạ.”

Gian hàng thổ cẩm truyền thống người Thái (Quỳ Châu - Nghệ An)

Đó gần như là mục đích chung của hầu hết các làng nghề tham gia hội chợ bởi vậy mà ai cũng cố gắng thuyết trình về cơ sở sản xuất của mình với khách tham quan, trao tay họ những tờ rơi. Chị Hà Thị Phượng Vân chủ cơ sở Dệt may, thổ cẩm Hải Vân (Con Cuông- Nghệ An) cho biết: chị đang xây dựng một nhà xưởng với hơn 20 khung dệt tay và đã đi vào sản xuất từ quý 2 năm nay. Từ khi cơ sở sản xuất của chị hoạt động giải quyết công ăn việc làm cho khoảng hơn 10 lao động địa phương.

Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề thổ cẩm đều đang gặp khó khăn về nguyên liệu như sợi bông, thuốc nhuộm, tơ tằm. Phần lớn sản phẩm thổ cẩm tham gia hội chợ đều được dệt từ sợi tổng hợp chỉ có phương pháp dệt vẫn theo lối thủ công truyền thống. /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên