Khi du khách đến và ngại trở lại...
VOV.VN - Theo thống kê của ngành du lịch Việt Nam vào cuối tháng 12/2023, thì số lượng du khách đến Việt Nam trong năm dù chưa bằng với thời điểm trước dịch COVID-19, nhưng với khoảng 12,6 triệu lượt khách đã vượt xa mục tiêu ban đầu là 8 triệu lượt.
Với những thành công về mặt con số thống kê, và sưu tầm được khá nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc tế cho những thành tựu của ngành du lịch trong thời gian qua… có thể dễ dàng nhìn nhận vào sự quay trở lại mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch. Đó là một sự thành công lớn, trong bối cảnh mà trước đó, trong những năm bị tàn phá bởi dịch bệnh, các công ty du lịch phá sản, còn người lao động trong lĩnh vực này phải ngậm ngùi chuyển sang làm công việc khác.
Thực ra, sự thành công và tăng trưởng của ngành du lịch, cuối năm nào cũng được thông báo là vượt bậc so với năm trước, và những năm trước nữa. Nhưng có một sự thật đáng buồn là số lượng khách “một đi không trở lại” vẫn rất cao, và tồn tại từ năm này qua năm khác, rất ít khi được ngành du lịch nhắc tới.
Chúng ta vẫn tự hào với phong cảnh, tài nguyên thiên nhiên tươi đẹp, hơn đứt tất cả các nước phát triển du lịch trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… tất nhiên cả Lào và Campuchia. Và rồi đa phần khách quốc tế chỉ đến Việt Nam một lần và rất ít trong số đó quay lại lần hai, lần ba...
Câu hỏi đặt ra là tại sao khách quốc tế đến và không muốn quay lại, dù gần đây Việt Nam đã có những chính sách thông thoáng hơn về xuất nhập cảnh?
Không cần nói đâu xa, Hà Nội, trung tâm của cả nước, một trong những địa điểm gần như khách du lịch quốc tế nào cũng sẽ đặt chân đến đầu tiên khi tới Việt Nam. Hà Nội, sở hữu rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử có hàm lượng văn hoá cao và tiềm năng khai thác du lịch lớn, nhưng vẫn bị đánh giá là sản phẩm du lịch nghèo nàn. Mặc dù chúng ta chưa bao giờ muốn nhìn vào thực tế này.
Nguyên nhân là ở đâu? Ngay khi bước chân đến cửa khẩu, sân bay, khách du lịch cần được chào đón bằng sự thân thiện, nhiệt tình và nụ cười ấm áp để tạo thiện cảm, thì gần như chúng ta không làm được điều đó.
Rất nhiều khách đã phản ánh về tình trạng chậm trễ trong khâu làm thủ tục nhập cảnh, cùng những bộ mặt lạnh lùng của nhân viên hải quan - những ấn tượng ban đầu của một du khách là điều quan trọng nhất, nhưng chúng ta lại không chú trọng đến việc này.
Vẫn còn tình trạng bắt chẹt du khách, ngay từ khi ra khỏi sân bay của những người lái taxi, sau đó là đến những dịch vụ du lịch quanh Hà Nội. Xích lô, taxi, hàng ăn uống chặt chém, lừa dối tiền cước với khách nước ngoài.
Tình trạng đeo bám du khách ở những điểm du lịch; đánh giày, bán hàng rong cũng tham gia vào hành trình chặt chém. Vậy là, gần như không hề có cảm giác an toàn cho du khách khi đến du lịch ở Thủ đô, ngay từ khi vừa đặt chân đến Việt Nam.
Như đã nói, chúng ta có sản phẩm du lịch rất tốt, đó là những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điều kiện thiên nhiên ưu đãi – hoàn toàn thích hợp để phát triển du lịch. Nhưng nhiều nơi chỉ được khai thác mà không có sự quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn, bảo vệ.
Ô nhiễm môi trường là một vấn nạn rất khó giải quyết, không chỉ riêng ở những khu, địa điểm du lịch. Vẫn không nói đâu xa, ngay như ở Thủ đô Hà Nội, du khách vẫn phải đi dạo trên những đường phố ngập rác thải, mùi hôi thối khắp nơi… Nhà vệ sinh công cộng không sạch sẽ, dịch vụ công cộng cũng không đạt tiêu chuẩn, và số lượng quá ít khiến du khách khi có nhu cầu không biết tìm ở đâu, đành phải bỏ dở hành trình để quay ngược trở lại khách sạn giải quyết nhu cầu cá nhân.
Địa điểm du lịch phong phú, nhưng sản phẩm, chất lượng dịch vụ nghèo nàn, yếu kém, thì khó có thể tự tin vào khả năng quay lại lần sau của du khách. Có một điều đáng buồn là, Việt Nam với nhiều du khách, chỉ là điểm đến cho biết, trong hành trình du lịch những nước gần chúng ta như Thái Lan, Lào, Campuchia, thậm chí là Myanmar…
Trong những năm bị dịch bệnh tàn phá, ngành du lịch, những người làm du lịch luôn khẩn thiết kêu cứu vì hoạt động bị “đóng băng”, dẫn tới phá sản, mất nguồn thu nhập, mất việc làm… Nhưng bản thân họ, phải cứu họ trước, bằng việc tự thay đổi, nâng cấp mình.
Nếu không, dù không phải do đại dịch, du lịch Việt Nam vẫn rất khó có thể phát triển như những nước trong khu vực, chứ chưa thể nói đến xa hơn. Không nên hy vọng du khách quay lại, khi chúng ta chưa chịu thay đổi.
Để loại bỏ suy nghĩ của du khách quốc tế mỗi khi nghĩ đến Việt Nam, là đi cho biết, chúng ta cần một hình ảnh thân thiện hơn, kích thích sự khám phá, tìm hiểu, và quan trọng nhất là cảm giác thoả mãn thực sự khi được du lịch, nghỉ ngơi ở bất cứ địa điểm du lịch nào ở Việt Nam.