Khi nào dân hưởng lợi thì du lịch cộng đồng mới phát triển
VOV.VN -Đây là nhấn mạnh của Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch - Nguyễn Văn Tuấn nhân Ngày Du lịch thế giới với chủ đề “Du lịch và phát triển cộng đồng”.
Ngày 26/9, tại Hà Nội, Dự án Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ (gọi tắt là Dự án EU) phối hợp với Tổng cục Du lịch đã tổ chức Lễ kỉ niệm ngày Du lịch Thế giới và Hội thảo bàn tròn “Du lịch có trách nhiệm đối với phát triển cộng đồng”. Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Du lịch Thế giới 2014 với chủ đề “Du lịch và Phát triển Cộng đồng”.
Thông qua các hoạt động này, Dự án EU muốn nhấn mạnh vai trò và tác động của du lịch, đặc biệt là du lịch có trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng địa phương.
Đại diện cho dự án bà Mary McKeon, Trưởng nhóm tư vấn Dự án EU cho biết, năm nay, Ngày Du lịch thế giới với chủ đề “Du lịch và phát triển cộng đồng” là cơ hội để nêu cao sự quan tâm của Chính phủ tới phát triển cộng đồng bởi đây là mà một hướng phát triển du lịch mà tôi tin mang tính trách nhiệm cao.
Du lịch cộng đồng cũng đã chứng tỏ việc mang lại cơ hội mới giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chịu thiệt thòi phát triển kinh tế cá nhân cũng như kinh tế xã hội. Đồng thời, du lịch cộng đồng cũng đã mang lại cho người dân cơ hội tham gia vào việc đưa ra kế hoạch và hướng phát triển du lịch trên chính quê hương của họ. Thông qua nguyên tắc tôn trọng di sản tự nhiên và văn hóa bản địa một hình thức du lịch cộng đồng tốt sẽ giúp gìn giữ, bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng. Đó cũng là yêu tố hấp dẫn khách du lịch đến với cộng đồng với mong muốn tìm kiếm những trải nghiệm đích thực, ý nghĩa và sâu sắc.
Bà Mary McKeon cũng nhấn mạnh: “Việt Nam là một đất nước có các nền văn hóa phong phú và lối sống đa dạng được tạo dựng bởi 54 dân tộc khác nhau. Với nguồn tài nguyên phong phú này, Việt Nam có thể trở thành một nước hàng đầu về du lịch cộng đồng trên thế giới nếu du lịch cộng đồng được phát triển một cách bền vững và có sự quản lý tốt”.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ phát triển Du lịch có trách nhiệm, Dự án EU đã hỗ trợ 10 nhà văn hóa xã của 10 cộng đồng trên cả nước (Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Đắk Lắk, Cần Thơ và An Giang) với các trang thiết bị với giá trị lên tới 100.000 Euro. Đồng thời, Dự án đã và đang triển khai hàng chục khóa tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực thực hành Du lịch có trách nhiệm cho các cộng đồng nói trên.
Dự án cũng đã huy động các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng các tài liệu cho cộng đồng như Sổ tay Du lịch cộng đồng và Tài liệu hướng dẫn vận hành du lich lưu trú tại nhà dân (Homestay). Các khóa tập huấn cũng đã liên tục được tổ chức hướng tới đối tượng là các cộng đồng có tiềm năng phát triển du lịch.
Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày Du lịch thế giới 2014, Tổng thư ký UNWTO, Taleb Rifai nhấn mạnh: “Mỗi khi đi du lịch, chúng ta sử dụng các phương tiện vận chuyển tại điểm đến hay mua các sản phẩm của người dân bản địa tức là chúng ta đã đóng góp cho một chuỗi giá trị góp phần tạo công ăn việc làm, đem lại quyền lợi cho cộng đồng cũng như mang đến cho người dân địa phương những cơ hội mới với một tương lai tốt đẹp hơn”.
Cũng tại buổi lễ ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục Trưởng, Tổng cục Du lịch cho rằng, du lịch là một hoạt động kinh tế dựa trên con người, được xây dựng dựa trên tương tác xã hội và nó chỉ có thể phát triển thịnh vượng nếu cùng tham gia với cộng đồng địa phương để đóng góp cho các giá trị xã hội, như tạo cơ hội tham gia, giáo dục và tăng cường công tác quản lý của địa phương.
Đồng thời, du lịch sẽ không thực sự phát triển nếu quá trình hoạt động du lịch gây tổn hại đến các giá trị văn hóa của cộng đồng sở tại hoặc nếu lợi ích kinh tế xã hội thu được từ ngành Du lịch không được chia sẻ cho cộng đồng. Như đã được nêu trong Nguyên tắc về đạo đức trong Du lịch của Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO, “cư dân tại địa phương cần được tham gia vào các hoạt động du lịch và được chia sẻ bình đẳng các lợi ích về kinh tế, xã hội và văn hóa mà du lịch mang lại”.
“Qua chủ để “Du lịch và phát triển cộng đồng” cũng đã thể hiện được định hướng của ngành du lịch đối với mục tiêu phát triển du lịch bền vững của LHQ trong đó đặt trọng tâm lớn vào sự tham gia của cộng đồng địa phương. Du lịch cộng đồng phải thực sự là mô hình vì cuộc sống của người dân thu hút sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng địa phương. Và khi nào người dân thực sự hưởng lợi thì du lịch cộng đồng mới thực sự phát triển” – ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh./.