Du lịch Ninh Bình trước nguy cơ tụt hậu:

Kỳ 1: Bến thuyền vắng khách

Núi đá vôi mất dần, môi trường bị ô nhiễm nặng, chẳng bao lâu nữa, du lịch Ninh Bình sẽ trở thành con đò đợi khách mà khách mãi không qua

Bề dày lịch sử, văn hóa và sự hào phóng của tạo hóa đã tạo dựng cho tỉnh Ninh Bình một tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn. Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của mình, Ninh Bình chủ trương đầu tư tập trung mọi nguồn lực phấn đấu thành tỉnh du lịch. Nhiều năm qua, du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển khá nhanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, làm thay đổi hình ảnh Ninh Bình trong mắt bạn bè trong và ngoài nước. Thế nhưng, mấy năm gần đây, du lịch Ninh Bình lại lâm vào tình trạng phát triển kém, có nguy cơ tụt hậu.

Những chuyến xe chở xi măng đang ngày ngày băm nát con đường du lịch

Mìn nổ, bụi bay “giết” du lịch

Đi du lịch Ninh Bình, tới đâu cũng thấy phong phú và hấp dẫn. Cố đô Hoa Lư hơn 1.000 năm tuổi, có đền vua Đinh, vua Lê linh thiêng, là vùng đất địa linh nhân kiệt; gắn liền với sự nghiệp 3 vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ. Danh thắng Tam Cốc - Bích Động được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhị động”, nghĩa là động đẹp thứ nhì trời Nam. Ai đến đây cũng phải ngẩn ngơ trước cảnh dòng sông Ngô Đồng chảy qua núi đá tạo ra 3 hang xuyên thủy. Ngôi chùa Bích Động, được chúa Trịnh Sâm đặt tên “Bạch ngọc thanh sơn động” (viên ngọc trong hang núi xanh). Vườn Quốc gia Cúc Phương là vùng rừng nguyên sinh, hệ động, thực vật hàng ngàn loài. Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long được gọi bằng tên thật hấp dẫn “Người đẹp ngủ quên”, Vùng vịnh không sóng, “Vịnh Hạ Long trên cạn”.

Thế nhưng bụi khói xi măng, tiếng nổ mìn, tiếng động cơ gầm rú của các đoàn xe tải hạng nặng chạy suốt ngày đêm là cơn ác mộng đối với tuyến du lịch tới Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (huyện Gia Viễn). Từ năm 2002, cứ độ tháng Giêng, tháng Hai âm lịch, du khách trong và ngoài nước đến vùng ngập nước Vân Long nườm nượp. Vậy mà năm nay, đến đầu tháng hai rồi mà đường về Khu du lịch Vân Long vẫn vắng hoe. Bến thuyền du lịch Vân Long vắng khách, những con đò cắm sào nằm không.

Nhác trông thấy chúng tôi xuống bến, các cô lái đò vội vã chào mời. Chúng tôi bắt chuyện nghề đò du lịch làm ăn lời lãi ra sao? Được thể, ai cũng nói: Những năm trước, khách du lịch nước ngoài đến đông lắm, chủ đò nào cũng khấm khá. Nhưng mấy năm gần đây, một nhà máy xi măng sừng sững mọc lên ở cạnh khu du lịch, rồi công trường khai thác đá ngày nào cũng nổ mìn “inh tai nhức óc”, bụi bay mù mịt khắp nơi. Mìn nổ, đàn Voọc hoảng hốt chạy tán loạn, cò vạc nháo nhác bay đi. Thấy cảnh như vậy, du khách nào mà chẳng sợ.

Ông Trần Xuân Quang, Trạm trưởng Trạm du lịch Gia Vân là người nói năng khá dè dặt, không muốn đụng chạm đến ai. Tuy vậy, khi nói chuyện với chúng tôi, ông cũng không giấu nổi sự lo lắng về tác động của nhà máy xi măng Vinakansai đến khu du lịch Vân Long.

“Khu bảo tồn thiên thiên Vân Long ra đời trước công nghiệp xi măng. Nhà máy xi măng nằm cạnh khu bảo tồn giáp ranh với đê đã có tác động và ảnh hưởng thực sự đến khu bảo tồn. Đi đến đây nhiều người băn khoăn tự hỏi: Tại sao khu bảo tồn thiên nhiên lại gần khu công nghiệp như thế? Nếu chúng ta cứ để khói bụi, nổ mìn như thế này thì các tour du lịch sẽ không còn ai dám đi nữa”, ông Quang nói.

Tiếng thơm mai một dần

Vài năm trở lại đây, khách thập phương đến Ninh Bình ngày một đông. Bề ngoài, cứ tưởng lượng khách du lịch tăng lên nhưng thực chất là người ta kéo về để xem chùa Bái Đính xây to như thế nào, xem Cố đô Hoa Lư đón 1.000 năm Thăng Long, đi lễ đền, lễ chùa cầu lộc, cầu tài, đi vui chơi lễ hội, đình đám. Thực chất, khách du lịch đến với Ninh Bình đâu có nhiều.

Không chỉ riêng Vân Long mà nhiều khu du lịch ở tỉnh Ninh Bình cũng bị buộc chặt vào mối tơ duyên “sống chung với xi măng”. Tam Cốc - Bích Động ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư không chỉ là một quần thể du lịch nổi tiếng mà còn là một trong những khu du lịch chuyên đề quốc gia được Chính phủ đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng và là khu du lịch xanh, sạch đẹp, điểm đến an toàn của khách du lịch. Thế nhưng, cái tiếng thơm ấy đang bị mai một dần. Từ Quốc lộ 1A rẽ vào Tam Cốc - Bích Động là thấy ngay những ống khói cuồn cuộn của 3 nhà máy: xi măng Hệ Dưỡng, xi măng Duyên Hà và phân lân Ninh Bình.

Chính quyền và nhân dân xã Ninh Hải, đều chung một mối lo: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động bị ô nhiễm môi trường ngày càng nặng, mất khách du lịch đã đành, nguy hại hơn nữa là gây tổn hại tới sức khỏe nhân dân.

Ông Đinh Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải tỏ ra bức xúc trước tình trạng các nhà máy thải chất độc hại ra môi trường: “Khi trời ẩm thấp thì bụi bay mù mịt, buổi trưa thì nghe tiếng nổ mìn phá đá. Vào đây tiếng ồn như thành phố, lại nghe cả tiếng nổ thì còn gì hứng thú đi du lịch”.

Theo ông Bằng, trước kiến nghị của cử tri, một đoàn kiểm tra đã về làm việc, nhưng lại kết luận là không có gì. Điều này đã đưa chính quyền xã vào chỗ khó xử vì không biết giải thích thế nào cho người dân thấu hiểu.

Nhiều núi đá ở Ninh Bình có cảnh quan đẹp đang bị tàn phá bởi các công trường khai thác đá hoạt động hết công suất, cốt sao lấy được thật nhiều đá thỏa mãn nhu cầu cho 6 nhà máy xi măng tổng công suất trên 10 triệu tấn/năm đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Những con đò nằm dài trên bến, đợi mãi mà khách không về

Khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Ninh Bình không giấu nổi sự xót xa của mình về tình cảnh núi đá vôi bị nhà máy xi măng tàn phá không thương tiếc. Ông ví von văn vẻ: “Cô du lịch với anh xi măng “đụng hàng” với nhau (ý nói cùng khai thác tài nguyên núi đá vôi) là ngành du lịch gặp họa vô đơn chí rồi”.

Ninh Bình không có núi đá vôi hoang sơ thì làm sao có thể phát triển du lịch. Núi đá vôi mất dần, môi trường bị ô nhiễm nặng, chẳng bao lâu nữa, du lịch Ninh Bình sẽ trở thành con đò đợi khách mà khách mãi không về./.

Kỳ tới: “Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng”

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên