Kỳ tích trên đất lửa Vĩnh Linh
Ở nơi tận cùng của sự hủy diệt ấy, bằng sức người và ý chí, người dân Vịnh Mốc đã làm nên những kỳ tích như huyền thoại của thế kỷ XX
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), đất nước bị chia cắt trên dòng Bến Hải, huyện Vĩnh Linh là địa đầu giới tuyến, nơi phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn của Mỹ ngày đêm dội xuống. Để bám trụ chiến đấu xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ "Vĩnh Linh đất thép kiên cường", quân và dân Vĩnh Linh đã âm thầm chuyển cuộc sống của mình vào sâu trong lòng đất. Trong 20 xã của toàn huyện đã có 14 xã đào địa đạo, hình thành nên 114 làng hầm với tổng chiều dài hơn 40km. Ngày nay, hệ thống làng hầm ở hầu ở các địa phương hầu như không còn, chỉ còn lại hệ thống địa đạo Vịnh Mốc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, trở thành một di tích chiến tranh đặc biệt của Quảng Trị.
Một trong số 13 cửa ra vào địa đạo Vịnh Mốc (ảnh: Internet) |
Địa đạo Vịnh Mốc, nằm trên địa bàn thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, cách bãi biển Cửa Tùng 7km về phía Bắc, cách đảo Cồn Cỏ 30km về phía Tây. Trong chiến tranh, Vịnh Mốc là nơi tập kết quân lực, vũ khí, hàng hóa chi viện cho bờ Nam và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Vì thế đây được coi là "tọa độ chết", là mục tiêu hủy diệt của máy bay rải thảm, pháo hạm từ ngoài biển. Thế nhưng, từ nơi tận cùng của sự hủy diệt ấy, bằng sức người và ý chí "một tấc không đi, một ly không dời", người dân Vịnh Mốc đã làm nên những kỳ tích như huyền thoại của thế kỷ XX. Đó là xây dựng nên hệ thống địa đạo đồ sộ để chuyển toàn bộ cuộc sống xuống lòng đất.
Việc xây dựng địa đạo được khởi công vào cuối năm 1965, dưới sự chỉ huy của ông Lê Xuân Huy - nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng 140 ở Vịnh Mốc lúc ấy. Toàn bộ địa đạo được đào trong lòng quả đồi cao chừng 30m, rộng hơn 7ha. Sau hơn 3 năm vừa đánh giặc vừa đào địa đạo bằng công cụ thô sơ như cuốc, thuổng tự chế..., quân dân Vịnh Mốc đã huy động trên 18.000 ngày công, đào đắp và vận chuyển trên 6.000 m3 đất đá tạo nên trong lòng quả đồi đất đỏ bazan phía Nam làng Vịnh Mốc một làng hầm trú ẩn cho hàng trăm người, chống được mọi loại bom đạn của Mỹ, kể cả bom rải thảm B52.
Địa đạo gồm 3 tầng, tầng 1 cách mặt đất 8 - 10m dùng để chiến đấu và trú ẩn tạm thời; tầng 2 sâu 12 - 15m là nơi sinh hoạt của dân làng; tầng 3 sâu hơn 30m là nơi tập kết vũ khí quân dụng, lương thực thực phẩm... tiếp tế cho các đơn vị chiến đấu ở bờ Nam, đảo Cồn Cỏ cũng như phục vụ nhu cầu sinh hoạt chiến đấu tại chỗ.
Bên trong địa đạo Vịnh Mốc (ảnh: Internet) |
Hệ thống đường hầm có chiều dài 2.034m, cấu trúc hình vòm, kích thước 0,9 x 1,5m, bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính. Trục chính có chiều dài 780m, kích thước 1,5 x 1,8m, từ trục chính có 13 nhánh thông với 13 cửa ra vào, gồm 7 cửa ra biển và 6 cửa trên đồi đi xuống. Tuy được hình thành trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, nhưng địa đạo lại được thiết kế hết sức công phu và khoa học như hệ thống thoát nước, lỗ thông hơi và hệ thống cửa luôn chếch về hướng đông nam để đón gió biển vì thế trong địa đạo luôn thoáng và không bao giờ ngập nước.
Mỗi ô trong địa đạo là nơi sinh hoạt của mỗi hộ gia đình (ảnh: Internet) |
Để đảm bảo cho hàng trăm con người ăn ở, sinh hoạt an toàn, tiện lợi, dọc hai bên đường hầm cứ cách 3 - 5m lại khoét thành từng ô nhỏ đủ cho một hộ 3 - 4 người ở. Ngoài ra trong đường hầm chính còn có hội trường (sức chứa hơn 50 người, dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim), 3 giếng nước, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm xá, nhà hộ sinh, trạm điện thoại... Đàng hoàng nhất là hai gian hầm trạm xá và nhà hộ sinh, đó là hai gian hầm lớn, tường và trần được lót vải dù trắng có đủ tủ thuốc, giường bệnh. Theo các cựu chiến binh ở thôn Vịnh Mốc, trong chiến tranh cả thôn chỉ có 82 nóc nhà với hơn 300 nhân khẩu tất cả đều chuyển xuống lòng đất. Họ đã sống hơn 2.000 ngày đêm dưới làng hầm từ năm 1966 – 1972, ban ngày chuẩn bị ngư cụ, súng đạn, ban đêm ra biển đánh cá, tiếp tế cho Đảo Cồn Cỏ, vận chuyển vũ khí đạn dược qua bến đò A (Tùng Luật) chi viện cho bờ Nam.
Không chỉ người dân Vịnh Mốc, mà hàng ngàn lượt bộ đội "ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam" cũng đã từ trong lòng địa đạo Vịnh Mốc ra đi để làm nên những chiến công lẫy lừng trên biển Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Cỏ. Những lúc cao điểm, Địa đạo đã chứa hơn 1.200 người. Tuy nhiên, điều làm cho nhiều du khách bất ngờ và cảm động nhất, là câu chuyện của 17 đứa trẻ chào đời và lớn lên trong lòng địa đạo Vịnh Mốc, một minh chứng rỏ ràng nhất cho ý chí kiên cường bất diệt của đất và người Vĩnh Linh trước sự hủy diệt của chiến tranh.
Nhà hộ sinh dưới địa đạo Vịnh Mốc (ảnh: Internet) |
Chính vì giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của cuộc chiến tranh nhân dân ở địa đạo Vịnh Mốc, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Bộ Văn hoá - Thông tin đã quyết định công nhận Địa đạo Vịnh Mốc là Di tích Quốc gia và đưa vào danh mục di tích đặc biệt quan trọng. Từ đó đến nay, địa đạo Vịnh Mốc đã được trùng tu, tôn tạo, trở thành một địa chỉ du lịch đặc sắc nằm trong tuyến du lịch DMZ (du lịch khu phi quân sự) nổi tiếng ở Quảng Trị.
Du khách trong và ngoài nước đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng kỳ tích độc đáo của những ngư dân tay không chân đất, mà còn là dịp để chiêm ngẫm tài năng, ý chí và nghị lực phi thường của con người Vĩnh Linh nói riêng và người dân Việt Nam nói chung trước khát vọng sống hòa bình./.