Làm gì để xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đủ và chuẩn
VOV.VN -“Hướng dẫn viên như đại sứ văn hóa cho một quốc gia chứ không đơn thuần là người giới thiệu điểm đến”.
Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn luôn bị đánh giá là “Giàu tài nguyên nhưng nghèo sản phẩm” mà nguyên do là thiếu sáng tạo, thiếu kiến thức và đội ngũ làm du lịch nhiều người chưa chuyên nghiệp. Trong đó, có thể kể đến đội ngũ hướng dẫn viên- những người được coi là linh hồn của sản phẩm du lịch. Việc hoạch định và đưa ra những giải pháp hợp lý nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đưa ngành du lịch phát triển xứng đáng với tiềm năng.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cả nước hiện có hơn 6.700 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, trong đó có 3.700 hướng dẫn viên tiếng Anh, 995 hướng dẫn viên tiếng Pháp và 961 người biết tiếng Trung. Hướng dẫn viên sử dụng tiếng Nhật hiện có 431 người, tiếng Đức là 375 người, tiếng Nga có 345 người, tiếng Tây Ban Nha có 147 người...
Theo bà Tống Thu Hiền, Giám đốc Công ty du lịch Thăng Long GTC thì nguyên nhân của tình trạng này là do: lực lượng sinh viên ngoại ngữ còn thiếu nghiệp vụ du lịch nên không thể hành nghề theo quy định của Luật du lịch. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng du lịch thì lại chưa thể hành nghề, vì theo quy định, hướng dẫn viên quốc tế phải là cử nhân chuyên ngành về du lịch bà Hiền nói: Việc đào tạo một hướng dẫn viên du lịch tốt nhất là được đào tạo các trường lớp chuyên nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, trong tình hình khan hiếm các hướng dẫn viên này thì các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực để khắc phục bằng cách tự đào tạo, tạo điều kiện để nhân sự có cơ hội cọ xát, thực hành nghề và động viên nhân sự đi học thêm về ngoại ngữ”.
Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng, cần giảm bớt một số tiêu chuẩn đối với hướng dẫn viên du lịch để tránh tình trạng khan hiếm tại một số thị trường.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Công ty Vietrantour cho rằng điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi những quy định hiện nay trong Luật du lịch về hướng dẫn viên còn cứng nhắc và chưa cụ thể. Nếu đội ngũ tốt nghiệp cao đẳng hoặc những nhân lực thông thạo ngoại ngữ, yêu thích du lịch và có các kỹ năng mềm đáp ứng các kỳ kiểm tra sát hạch về ngoại ngữ và kiến thức du lịch theo quy định của Bộ thì không có lý do gì ngăn cản họ hành nghề hướng dẫn viên du lịch, nhất là trong tình hình thiếu trầm trọng các hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ “hiếm” như hiện nay.
Bà Phạm Thanh Tâm, Trưởng phòng du lịch nội địa, công ty du lịch Vietrantour nói: “Hướng dẫn viên không những phải có kiến thức cơ bản về điểm đến, hiểu biết giá trị lịch sử văn hóa của điểm du lịch mà con cần biết giải quyết vấn đề của du khách một cách linh hoạt, bởi họ là người duy nhất có thể kết nối trực tiếp với đơn vị tổ chức và công ty lữ hành khi có những rắc rối xảy ra. Kỹ năng nghề nghiệp này không phải hướng dẫn viên nào cũng đáp ứng được, nhất là khi các chương trình đào tạo hiện hành về nghề nghiệp vụ du lịch còn thiếu, các trải nghiệm thực tế mang lại những kỹ năng giải quyết tình huống, giao tiếp, ứng xử cho các học viên”.
Ông Vũ An Dân, Phó chủ nhiệm khoa Du lịch- Viện Đại học mở Hà Nội khẳng định: hướng dẫn viên như đại sứ văn hóa cho một quốc gia chứ không đơn thuần là người giới thiệu điểm đến. Vì vậy, cần phải nắm chắc các môn khoa học về lịch sử, địa lý, văn hóa, kiến trúc, chính trị...Hiểu biết về hầu hết mọi mặt của cuộc sống và nắm được những thông tin mới nhất, từ đó mới có thể thuyết minh tốt: “Để đào tạo một sinh viên chuẩn của ngành thì thứ nhất đảm bảo họ có đầy đủ các kiến thức cần thiết, rồi thì bồi dưỡng các kỹ năng để các hướng dẫn viên đó có thể truyền đạt cho du khách biết. Một điểm quan trọng phải truyền đạt và đào tạo cho sinh viên và những người làm hướng dẫn viên thái độ cách nhìn đúng đắn về nghề nghiệp của mình”.
Vậy nên, để có một đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch có trình độ nghiệp vụ cao, ngoại ngữ giỏi, am hiểu lịch sử-văn hóa dân tộc, đòi hỏi phải có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa ngành du lịch, các cơ sở đào tạo, các địa phương và doanh nghiệp du lịch. Điều quan trọng nữa là bản thân mỗi hướng dẫn viên phải luôn có ý thức trau dồi kiến thức và thực sự yêu nghề./.