Lãng phí tiềm năng du lịch hồ Ba Bể?
VOV.VN - Hồ Ba Bể ở tỉnh Bắc Kạn được quy hoạch là 1 trong 46 Khu du lịch quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua công tác phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Ba Bể vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể có gần 100 hộ dân, chủ yếu là bà con dân tộc Tày sinh sống. Những năm gần đây nhờ làm du lịch, nên đời sống của người dân trong thôn dần được cải thiện.
Ông Ngôn Văn Toàn ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu bắt đầu làm dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch từ năm 1995 cho hay: "Thu nhập cao hơn, nên cả thôn đều chuyển sang làm dịch vụ du lịch. Khách chia làm 2 loại, gồm khách nước ngoài thích ở dân dã, khách trong nước đi theo gia đình con nhỏ thích phòng có điều hòa. Bây giờ thì khách thường thích phòng có điều hòa, khác với ngày xưa".
Khu vực ven hồ Ba Bể có thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám với khoảng 300 hộ dân sinh sống từ lâu đời, trước khi hồ Ba Bể được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Đến nay, phần lớn các hộ dân tại đây đã chuyển sang kinh doanh homestay du lịch cộng đồng. Tuy nhiên tình trạng xây dựng tràn lan trong các thôn bản, cộng với ô nhiễm môi trường đang khiến Vườn quốc gia Ba Bể dần đánh mất cảnh quan thiên nhiên vốn có trong vùng lõi.
Chị Đàm Thị Miên ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, cho biết: "Cũng không muốn cho xây để giữ lại những ngôi nhà sàn như ngày xưa, nhưng mình là dân thì cũng chẳng can thiệp được. Như mấy nhà bên cạnh xây cao tầng làm mất cảnh quan".
Trong khu du lịch Hồ Ba Bể có 20 điểm tham quan, 55 cơ sở lưu trú du lịch homestay, khách sạn, nhà nghỉ, chưa tới 500 phòng. Hàng năm thu hút khoảng gần 200.000 lượt khách, trong đó có khoảng 5% là du khách người nước ngoài. Tuy nhiên, do thiếu các loại hình dịch vụ nên thời gian lưu giữ khách du lịch rất ngắn, nhiều khách không ở lại qua đêm. Thậm chí, vào những ngày nghỉ lễ lượng khách đông, do không có chỗ nghỉ lại nên nhiều đoàn khách đành phải quay về.
Ông Đàm Văn Thấm - Phó Giám đốc Ban Quản lý khu du lịch Hồ Ba Bể cho biết: "Các điểm du lịch ở đây nơi ăn nghỉ, điểm đến cần phải đầu tư xây dựng mới làm hài lòng khách. Vẫn chưa có điểm tham quan nào được đầu tư để giữ chân du khách ở lại".
Mặc dù là 1 trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và là di tích quốc gia đặc biệt, nhưng thời gian qua lượng khách đến với hồ Ba Bể vẫn quá ít ỏi so với nhiều nơi khác. Nguyên nhân chủ yếu từ chính sách khuyến khích phát triển du lịch và thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Kạn chưa thực sự hấp dẫn. Nguồn nhân lực trong ngành du lịch hầu hết chưa được đào tạo cơ bản, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch hồ Ba Bể còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Chương - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Kạn cho biết một số khó khăn: "Ba Bể vừa là Vườn quốc gia vừa là Di tích quốc gia đặc biệt, nên phát triển hạ tầng du lịch sẽ chịu sự ràng buộc bởi rất nhiều luật như Luật Lâm nghiệp và đặc biệt là Luật Di sản. Hiện tỉnh cũng có nhiều cuộc xúc tiến đầu tư, nhiều doanh nghiệp cũng muốn đầu tư, nhưng Bắc Kạn mới đang lập quy hoạch Khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể và khi nào quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt thì mới có thể đi vào guồng quay hoạt động được".
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025 phấn đấu đạt trên 600.000 lượt khách. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn đang phải chờ quy hoạch và quan trọng hơn là sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành ở tỉnh Bắc Kạn. Không nhìn đâu xa, kinh nghiệm của tỉnh Hà Giang, chỉ sau 10 năm phát triển du lịch một cách bài bản đã đón được khoảng 3 triệu lượt du khách/năm./.