“Loạn” hoạt động lữ hành cho khách Trung Quốc tại Khánh Hòa
“Loạn” hoạt động lữ hành cho khách Trung Quốc tại Khánh Hòa, 64 người Trung Quốc lao động trái phép đã bị trục xuất khỏi Khánh Hòa.
Sau nhiều lần né tránh báo chí về vấn nạn “loạn” thị trường dịch vụ du lịch cho khách Trung Quốc tại Nha Trang, ông Trần Việt Trung - GĐ Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã “chịu” thừa nhận một trong các nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có sự tiếp tay, móc nối của các doanh nghiệp Việt Nam.
Dẹp nạn lao động nước ngoài trái phép
Sẽ trục xuất 64 lao động Trung Quốc trái phép, ông Trung cho biết tại cuộc họp báo tình hình KT-XH tỉnh 6 tháng đầu năm 2016 vào sáng 13.7. Theo ông Trung, thủ tục trục xuất số lao động này đang được công an xuất nhập cảnh thực hiện.
Hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động trái phép tại Nha Trang, Khánh Hòa. |
Đến nay, Sở Du lịch đã thực hiện tống đạt, thu hồi giấy phép lữ hành quốc tế của Cty TNHH thương mại và du lịch Silent Bay theo QĐ của Tổng cục Du lịch (vào ngày 21.6). “Đến ngày 20.7, Cty Silent Bay phải giải quyết toàn bộ những vấn đề tồn tại liên quan đến việc hoạt động kinh doanh, hợp đồng khai thác thị trường khách du lịch Trung Quốc. Chúng tôi sẽ giám sát việc thực hiện” - ông Trung nói.
Theo Tổng cục Du lịch, Cty này vi phạm không thực hiện chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định; không làm thủ tục đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế khi thay đổi người đại diện của pháp luật; sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; sử dụng người nước ngoài làm việc tại Cty không tuân thủ những quy định của pháp luật; chưa thực hiện thông báo thay đổi địa chỉ trụ sở...
Theo ông Huỳnh Ngọc Bông - Chánh văn phòng UBND tỉnh, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định xử phạt Cty Silent Bay theo các nội dung vi phạm là không thực hiện chế độ lập, lưu trữ hồ sơ và sử dụng lao động nước ngoài trái phép.
Tại buổi họp báo, báo chí phản ứng gay gắt trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp xúc, làm việc với Sở Du lịch về thực trạng “loạn” thị trường khách Trung Quốc tại Nha Trang thì ông Trung nói: “Do sở mới thành lập, đang sửa chữa địa điểm nên việc trao đổi với báo chí gặp khó khăn, mong các báo thông cảm” (!).
Báo chí chất vấn: “Trước đây, Sở VHTTDL có biết con trai ông Trương Đăng Tuyến - nguyên GĐ Sở VHTTDL (vừa nghỉ hưu tháng 4.2016) làm giả hồ sơ để đề nghị Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hay không?”. Ông Trần Khắc Hà - GĐ Sở VHTT (trước đây là Sở VHTTDL) không trả lời được và “đá” sang bà Phan Thanh Trúc - Phó GĐ Sở Du lịch.
Bêu tên doanh nghiệp lữ hành vi phạm
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, thực tế hoạt động lữ hành trong thời gian qua diễn biến phức tạp, có nhiều sai phạm liên quan đến hướng dẫn viên, lao động nước ngoài, kinh doanh dịch vụ... phục vụ khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc, nhưng các ngành chỉ mới dừng lại ở việc xử lý, chậm đưa ra các giải pháp để giải quyết, khắc phục.
Ông Hải yêu cầu trong tháng 7, Sở Du lịch, Sở LĐTBXH, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Cục Thuế và UBND TP. Nha Trang phải trực tiếp làm việc với 27 DN lữ hành quốc tế thường xuyên phục vụ khách Trung Quốc và 24 khách sạn trên địa bàn tỉnh yêu cầu cam kết chấp hành đảm bảo các quy định của pháp luật về điều kiện hoạt động kinh doanh...
“Ngay trong tháng 7, các sở du lịch, sở công thương triển khai quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đã ký cam kết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, không có trường hợp ngoại lệ” - ông Hải cho biết.
Báo chí truy vấn trách nhiệm của Sở Du lịch trong công tác quản lý hoạt động du lịch khách Trung Quốc thời gian qua thì ông Trung trả lời chung chung rồi đưa ra giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.
Theo ông Trung, theo chỉ đạo của tỉnh, hiện có 4 doanh nghiệp lữ hành quốc tế khai thác thị trường khách Trung Quốc ký cam kết chấp hành đảm bảo các quy định của pháp luật về điều kiện hoạt động kinh doanh, số còn lại đang tiếp tục hướng dẫn, vận động thực hiện. “Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục thanh tra 25 đơn vị lữ hành theo chỉ đạo của tỉnh…” - ông Trung cho biết.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, 6 tháng đầu năm 2016, công tác hoạt động du lịch lữ hành tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục, như tổ chức các tour du lịch không đúng nơi quy định; tình trạng tổ chức các tour du lịch chưa có hướng dẫn viên du lịch; thiếu các hướng dẫn viên du lịch địa phương biết ngoại ngữ./.
Hoạt động du lịch trái phép trên đảo Bình Hưng
Đảo Bình Hưng (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) được Chính phủ đưa vào “Quy chế bảo đảm an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh” (có hiệu lực từ ngày 6.11.2015). Theo đó, hòn đảo này không được tiến hành, phát triển các loại hình du lịch. Tuy nhiên, hằng ngày, nhiều khách du lịch Trung Quốc vẫn đặt chân lên đảo quay phim, chụp hình. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch TP. Cam Ranh - lý giải: “Đảo Bình Hưng, tỉnh Khánh Hòa quản lý, nhưng trong bờ lại thuộc tỉnh Ninh Thuận quản lý. Vì vậy, khu vực này đang chồng lấn ranh giới. Chúng tôi đang xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 địa phương về quản lý khu vực này nhưng chưa xong”.
Quảng Nam: Khó quản lý hướng dẫn viên người nước ngoài
Hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam
Doanh nghiệp Việt “bật đèn xanh” cho hướng dẫn viên Trung Quốc?