Một thoáng Campuchia: Những trải nghiệm tuyệt vời
VOV.VN -Những khung cảnh cổ kính của di tích, tráng lệ của Hoàng cung và sự chất phác của người dân Campuchia để lại ký ức tuyệt vời cho du khách
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi qua cửa khẩu Bavet tiến sâu dần vào lãnh thổ Campuchia là những cánh đồng lúa thanh bình, chấm phá bởi những cây thốt nốt vút lên giữa bầu trời xanh.
Đường đi tới Siem Reap phần lớn không có đường cao tốc. Cơn mưa to chợt tới rồi tạnh khoác lên những cánh đồng lúa một màu nắng vàng chanh tươi mới, tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Tiến sâu vào lãnh thổ Campuchia, thốt nốt từ vài cây thành vài bụi lớn, rồi bạt ngàn.
Tới lúc này, những câu nói hóm hỉnh của cậu hướng dẫn viên du lịch khiến cả xe bật cười: “Các bác, các cô, các anh chị đã tiến vào lãnh thổ Campuchia, chính thức sang đất Campuchia. Ở đây, bò của Capuchia toàn màu trắng còn người Campuchia da nâu, tóc quăn”. Tò mò quá, bò thì nhìn thấy toàn bò trắng rồi nhưng người thì đâu mà chẳng thấy.
Hóa ra phần lớn người dân nông thôn Campuchia đều thích sống sâu trong làng để tránh sự bụi bặm và ồn ã. Nhà kinh tế càng khá, họ lại càng thích sống sâu trong làng. Trừ khu vực cửa khẩu Bavet toàn Casino thì gần 700 cây số đến Siem Reap phần lớn là cánh đồng và xen kẽ thưa thớt là các nhà sàn.
Cuộc sống thuần phác của người dân Campuchia
Người dân Campuchia thân thiện, khiêm nhường và chất phác. Thấy bạn hạnh phúc là họ vui. Đến Campuchia, bạn có thể mua đồ dễ dàng bằng tiền đô la Mỹ và tiền đồng Việt Nam. Tuy nhiên, đừng trả họ bằng tờ 2 đô la bạn nhé. Người Campuchia nói: người Việt Nam coi đồng 2 đô la là đồng tiền may mắn. Vì vậy, nếu trả tiền món hàng hay dịch vụ nào trị giá 2 đô la, họ sẽ nhận hai tờ 1 đô la vì không muốn lấy đi “sự may mắn” của người khác.
Người Campuchia hồn hậu và ý nhị. Gia đình nào có con gái mới lớn, đến tuổi cập kê gả chồng, họ đều treo trước cửa chính hoặc cửa sổ một tấm rèm hồng để ngầm báo với các trai làng “con gái nhà tôi đã đến tuổi lấy chồng”. Phụ nữ Campuchia nhìn thật đằm thắm. Nước da bánh mật, hàm răng trắng ngần và thân hình rắn rỏi.
Lễ cưới ở Campuchia và Việt Nam có điểm khác biệt: Việt Nam thì có tục lệ đón dâu, còn ở Campuchia là đón rể. Trong lễ cưới, cô dâu sẽ ở nhà chờ họ hàng tới đón chú rể về. Đến “rước rể”, nhà gái phải có lễ gồm 36 loại quả khác nhau, nhưng để cưới được vợ, chàng trai cũng phải vượt qua sự rèn luyện: lên chùa hoàn thành một khóa tu. Sau khi nhận được chứng chỉ ghi nhận đã kết thúc khóa tu, chàng trai mới được tổ chức lễ cưới.
Tháng 11, lúa bắt đầu chín, cũng là lúc bắt đầu mùa cưới ở Campuchia. Lễ hỏi, lễ cưới ở đây được tổ chức rất trang trọng. Cứ đi qua rạp nào có hình trái tim trang trí phía trước và xung quanh rạp, thì đó là đám hỏi. Còn trước cửa nhà nào có trang trí hai cây chuối, sơn vàng, sơn bạc, thì đó là lễ cưới. Chỉ tiếc trong chuyến đi ngắn ngủi, chúng tôi không chụp được những tấm hình về lễ cưới ở Campuchia.
Những quần thể di tích hùng vĩ, đồ sộ nhưng tinh tế đến từng chi tiết
Tới Siem Reap, chúng tôi mới thấy nhà cửa san sát, nhưng phần lớn không có nhà cao tầng. Với cách nói tiếng Việt theo giọng Nam Bộ, cậu hướng dẫn viên du lịch cho biết: Campuchia không cho xây dựng nhà cao hơn quần thể Angkor- Chốn tâm linh nổi tiếng của Campuchia được UNESCO công nhận.
Nổi tiếng nhất là ngôi đền Angkor Wat, được vua Suryavarman II xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XI. Angkor Wat là ngôi đền đẹp và lớn nhất trong tất cả các ngôi đền ở quần thể Angkor (cao khoảng 65m), tọa lạc trên khu vực gần 200 ha, bao quanh là một hồ chứa nước khổng lồ.
Angkor Wat là đỉnh cao của kiến trúc Khmer với những phù điêu khắc trên các bức tường của đền, mô tả sử thi Ấn Độ giáo; các huyền thoại về vị thần Hindu và cuộc sống bất tử. Đường nét khắc tạc trên các đến rất tỉ mỉ, tinh xảo.
Điểm đến mà chúng tôi đánh giá thú vị không kém đó là khu mộ cổ Ta Prohm. Được xây dựng từ năm 1186, Ta Prohm là một tập hợp các công trình đền đài được xây dựng nhằm tôn vinh hoàng tộc Jayavarman VII và tưởng niệm mẫu thân. Nơi đây được vua chọn làm tu viện và trường học của Phật giáo Đại thừa. Ngôi đền có chiều dài 1km, rộng 700 m này đã phải dùng đến 5 vạn lượng vàng, 5 vạn lượng bạc, gần 4 vạn viên ngọc trai, hơn 4 nghìn viên ngọc thạch và 35 viên kim cương cỡ lớn (được trang trí tại 4 mặt của lăng mộ hoàng hậu).
Ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp trên đồi Phnom Bakheng
Ngược lại thời gian tới cuối thế kỷ thứ IX, đền Hindu Phnom Bakheng cũng là điểm du lịch mà nhiều du khách muốn tới tham quan. Ngôi đền thờ núi nằm hướng về phía đông được vua Yasovarman xây dựng. Khách du lịch tới đây ngoài việc tham quan đền mong muốn chụp được những bức ảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên độ cao khoảng 67m. Hiện khu di tích đã xuống cấp nên mỗi đợt, chỉ có khoảng 300 khách được lên tham quan.
Đến với quần thể Angkor, chúng tôi cảm thấy như mình lạc vào cuộc sống xa xưa cổ kính, còn đến Phnom Penh, chúng tôi lại cảm nhận được sự tráng lệ của cung điện Hoàng gia. Đã xem, đọc rất nhiều ảnh, tài liệu và bài báo viết, ca ngợi vẻ đẹp của Hoàng cung Campuchia, nhưng khi tới đây, chúng tôi mới tận mắt chiêm ngưỡng hết sự tinh tế đến từng chi tiết qua những mái chéo, nét chạm trổ trên từng mái vòm, ngọn tháp ở Hoàng cung Campuchia. Cung điện Hoàng gia Campuchia là công trình tiêu biểu nhất đại diện cho kiến trúc Khmer đặc sắc thế kỷ XIX.
Khu chợ nông thôn giản dị với đặc sản chế biến từ côn trùng
Trái ngược với sự tráng lệ của Cung điện Hoàng gia, khu chợ Skun thuộc tỉnh Kompong Cham lại giản dị, mộc mạc, đậm chất quê. Ở đây bán rất nhiều món ăn chế biến từ côn trùng như: nhện, bọ xít, châu chấu, cào cào… Những con côn trùng này được rang, chiên, tẩm sả ớt trông thật hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhìn mà không dám thử.
Theo cảm nhận của tôi thì những món này quá cay và lớp màng mỏng đất đỏ do ô tô đi qua đường cuộn lên, bay quanh khu chợ, quanh các sạp hàng khiến cho việc “nạp côn trùng vào cái bụng trong chuyến đi đường dài này” là không an toàn. Nhưng món cơm lam ở đây rất ngon. Trông ống cơm lam to hơn ống cơm lam của Việt Nam, hình dáng không bắt mắt nhưng ngon. Điểm khác của cơm lam Campuchia là họ cho vào đó một chút đỗ trông như đỗ tương, ăn rất bùi và thơm. Trứng luộc của Campuchia cũng rất ngon, lòng đỏ trứng khá to. Quả trứng được luộc chín tới, lòng đỏ còn hơi lòng đào ăn ngon, đậm đà mà không bị tanh.
Chia tay Angkor, chia tay Phnom Penh, chia tay người dân Campuchia chất phác, lên xe, chúng tôi trở về Việt Nam. Chuyến du lịch kéo dài 4 ngày 3 đêm trở nên quá ngắn ngủi. Quãng đường hơn 200km từ Phnom Penh đến cửa khẩu Mộc Bài sao đi qua nhanh thế. Chúng tôi cố ngoái nhìn, cố ngắm lại đất nước chùa tháp thanh bình, với những ngọn tháp cao vút; ngắm những cánh đồng lúa chín, những cây thốt nốt cứ xa dần, xa dần nhưng những khung cảnh hùng vĩ, cổ kính của Angkor, sự tráng lệ và tinh tế của Hoàng cung Campuchia cũng như nụ cười đôn hậu của người dân Campuchia, sẽ mãi là những ký ức đẹp, những trải nghiệm tuyệt vời của chúng tôi./.
Một số hình ảnh du lịch Campuchia: